Tình trạng bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng rượu phải nhập viện có xu hướng gia tăng. Đáng báo động, trong số này phần lớn là người trẻ, đang trong độ tuổi học tập, lao động.
Nằm trên giường bệnh, anh H.V.H., trú tại huyện Tràng Định vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh. Anh nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu với các biểu hiện đi không vững, nói líu lưỡi, giảm ý thức, mất khả năng kiểm soát…
Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ cho biết, anh H. bị loạn thần do lạm dụng rượu lâu ngày ở mức độ nặng, men gan cao gấp nhiều lần so với người bình thường. Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài.
Anh Ma Văn Định, người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Nói chung em ấy uống không có cữ trên ngày đâu, có ngày uống lít, nửa lít, từ sáng đã uống rượu rồi, đến trưa, chiều, tối. Việc uống rượu với em ấy thành thói quen rồi, để cấm thì cũng không cấm được. Tôi thấy việc lạm dụng rượu bia là rất hại”.
Chỉ trong quý I/2024, Khoa Tâm thần – Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận điều trị hơn 100 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới đang trong độ tuổi lao động và cư trú tại các vùng nông thôn.
Đa số bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, lo âu, hoảng sợ, hung hãn… thậm chí có người tìm cách tự tử hoặc hành hung người khác do ảo giác.
Bác sĩ Trịnh Thị Việt Hà, Phó Trưởng khoa Tâm thần – Thần kinh BVĐK Lạng Sơn cho biết: Tỷ lệ bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do rượu đến điều trị đang có xu hướng tăng lên và trẻ hoá về độ tuổi. Tuy nhiên việc điều trị rối loạn tâm thần và cắt cơn cho người lạm dụng rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái sử dụng rượu cho người bệnh tại gia đình và cộng đồng.
“Trong quá trình điều trị và khi bệnh nhân ra viện thì các bác sĩ cũng tư vấn rất kỹ càng, từ tác hại của rượu, ảnh hưởng của rượu đến bản thân, gia đình, xã hội… Tuy nhiên quan trọng nhất là nhận thức của người bệnh. Các bệnh nhân cần tránh xa rượu bia, nếu như có bạn bè hay rượu bia thì cần chấp nhận mất bạn để bảo vệ sức khỏe. Nhiều bệnh nhân cũng hứa lên hứa xuống nhưng đôi khi lời hứa khó thực hiện bởi phong tục miền núi, nhiều khi uống rượu vào các bệnh nhân không kiểm soát được”, bác sĩ Trịnh Thị Việt Hà nói.
Lạm dụng rượu gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do vậy, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống; đồng thời cần duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, chất kích thích để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.