Thời gian điều trị viêm tai giữa thường sẽ mất khoảng từ 4 đến 8 tuần. Nhiều người bệnh thường hỏi bác sĩ: Tại sao uống thuốc nhiều thế? Dùng nhiều thuốc thế có độc không? Sao cứ phải khám đi khám lại? Bài viết này sẽ lý giải những thắc mắc đó.
Một trong những điều mà người bệnh bị viêm tai giữa thường thấy sốt ruột, băn khoăn là thời gian điều trị viêm tai giữa sao lại lâu như thế.
Nhiều người bệnh sau khi được chẩn đoán là viêm tai giữa thường hỏi bác sĩ: Tại sao uống thuốc nhiều thế bác sĩ ơi? Sao điều trị lâu thế bác sĩ ơi? Dùng nhiều thuốc thế có độc không? Sao cứ phải khám đi khám lại bác sĩ ơi!…
Những nội dung dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc đó. Người bệnh cần hiểu đúng về viêm tai giữa để phối hợp với bác sĩ, điều trị đúng cách để có hiệu quả.
Viêm tai giữa là hiện tượng niêm mạc tai giữa viêm, xung huyết, phù nề, tạo dịch trong các khoảng trống của cấu trúc tai giữa, đó là hòm tai và các tế bào xương chũm.
Phần tai giữa nằm trong khối xương gọi là xương thái dương và thông với môi trường bên ngoài bằng một đường thông rất nhỏ gọi là vòi tai (hay vòi Eustachi, hay vòi nhĩ). Qua vòi tai, tai giữa thông với phần họng mũi. Vòi tai có chức năng đóng mở khi nuốt để cân bằng áp suất không khí giữa tai giữa và môi trường bên ngoài.
Chính vì vậy tai giữa viêm khi hiện tượng nhiễm trùng đi từ mũi họng vào tai giữa qua vòi nhĩ (trừ những trường hợp màng nhĩ bị thủng thì viêm có thể đi từ tai ngoài vào tai giữa).
Một số rất hiếm trường hợp viêm tai giữa do chèn ép vòi tai làm mất cân bằng áp xuất giữa không khí với môi trường bên ngoài, làm cho niêm mạc tai giữa tăng tiết, đồng thời dịch tiết đó không dẫn lưu được ra khỏi tai giữa do vòi tai bị hẹp vì chèn ép như quá sản tổ chức lympho vòm mũi họng, ung thư vòm, chấn thương vòm…
Khoảng không khí trong tai giữa lúc này bị thay thế thành dịch. Chính vì thế mà viêm tai giữa thường gây biểu hiện ù tai và nghe kém. Niêm mạc vòi nhĩ viêm, nề, do đó thường vòi nhĩ bị hẹp lại với các mức độ khác nhau. Quá trình phục hồi niêm mạc tai giữa gắn với mức độ hẹp của vòi tai.
Để điều trị khỏi viêm tai giữa, lúc này chúng ta phải tiến hành đồng thời các việc sau:
– Điều trị viêm nhiễm trong niêm mạc của hòm tai và các tế bào chũm.
– Dẫn lưu được dịch tai giữa (bằng đường tự nhiên thông qua vòi nhĩ, hay đường tự tạo ra là trích rạch màng nhĩ)
– Điều trị nguyên nhân gây viêm tai giữa (chủ yếu là viêm mũi họng, viêm mũi xoang). Với một số nguyên nhân hiếm gặp khác như chèn ép của các tổ chức kế cận như quá sản tổ chức lympho vòm, ung thư vòm, chấn thương… cần nạo bỏ tổ chức lympho, điều trị ung thư vòm hoặc phục hồi phần vòi tai bị chấn thương, bác sĩ sẽ cân nhắc đặt ống thông khí cho tai giữa.
Để đạt được những mục tiêu này, trong nguyên tắc điều trị, cần có thời gian trung bình từ 4 đến 8 tuần!