Khôi phục bộ ngực bị cắt vì ung thư bằng chính mỡ bụng
Giới tínhThứ Sáu, 26/02/2010 06:08:00 +07:00
Bà Staria Peterson, 75 tuổi (Mỹ) vừa được tiêm mỡ lấy từ vùng eo và mông của chính mình để bơm vào vùng ngực đã bị cắt bỏ cả hai bên vú cách đây 35 năm.
Bà Staria Peterson, 75 tuổi (Miami, Florida, Mỹ) vừa được tiêm mỡ lấy từ vùng eo và mông của chính mình để bơm vào vùng ngực đã bị cắt bỏ cả hai bên vú cách đây 35 năm do bệnh ung thư.
Kỹ thuật mới: Lấy mỡ thừa cấy vào ngực ung thư
Trước đây, bà từ chối cấy ghép ngực nhân tạo vì lo sợ giải pháp này sẽ khiến khó nhận ra các dấu hiệu tái phát của bệnh.
Bác sĩ Roger Khouri, thuộc Trung tâm nghiên cứu Ngực Miami (Florida) cho biết, lần này ông đã thực hiện một kỹ thuật mới, có kết hợp sử dụng một thiết bị ép chân không để làm giãn nở các mô hai bên vú trước và sau khi tiêm mỡ, đã dẫn đến kết quả tốt hơn nhiều.
Các bác sĩ đang tiến hành các biện pháp kỹ thuật để nâng ngực bằng chính mỡ của bệnh nhân. |
Thật ra, kỹ thuật ghép mô mỡ vào vùng ngực cũng không được tán thành từ rất lâu.
Bác sĩ phẫu thuật tái tạo bộ phận Thomas Biggs – người được bảo trợ bởi tiến sĩ Thomas Cronin, một trong những nhà sáng lập ngành cấy ghép ngực nhân tạo đầu tiên – phát biểu: “Chúng tôi đã tiêm mỡ từ lâu nhưng chưa bao giờ thành công như gần đây”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các Nhà phẫu thuật Thẩm mỹ Mỹ (ASPS) – Tiến sĩ Michael McGuire, thì đây là một giải pháp tuyệt vời, lý tưởng, vì đã từng có rất nhiều bệnh nhân gợi ý cho ông nên giúp họ lấy đi số mỡ quá thừa thãi ở những nơi không cần thiết trên cơ thể để lắp vào bộ ngực quá nhỏ của họ.
Nguy hiểm, mỡ có thể che khuất sự hiện diện của khối ung thư
Vấn đề dễ thấy nhất từ trước đến nay đó là không phải tất cả lượng mỡ tiêm vào vú đều tiếp tục tồn tại. Một số lượng mỡ từ những phần khác trên cơ thể đã chết đi sau khi được chuyển vào ngực, dẫn đến việc mất đi thể tích, và trong nhiều trường hợp khiến vú bị lồi lõm.
Tệ hơn, số mỡ đã chết này hình thành sự hóa vôi trong vú, có thể che khuất sự hiện diện của khối ung thư vú trong khi chụp nhũ ảnh.
“Nếu một người được cho là có nguy cơ ung thư vú cao do tiền sử gia đình hoặc nhiều yếu tố khác, nhất thiết họ cần phải thảo luận việc tiêm mỡ này với bác sĩ chính”, Giám đốc Viện nghiên cứu Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Few ở Chicago – Tiến sĩ Julius Few nói.
Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật tạo hình John Grossman ở Denver, Colorado (Mỹ) cho biết, vẫn còn một câu hỏi quan trọng chưa được trả lời, đó là liệu các kết quả của kỹ thuật tiêm mỡ nói trên thực tế sẽ kéo dài được bao lâu. Nếu chỉ trong khoảng một năm thì liệu pháp này sẽ chẳng bao giờ thay thế được kỹ thuật cấy ghép silicone.
Các nhà phẫu thuật tạo hình đồng ý rằng kỹ thuật mới này hấp dẫn và đầy tiềm năng, đặc biệt là đối với các bệnh nhân phẫu thuật ung thư vú. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng cần phải mất thêm một thời gian nữa trước khi kỹ thuật này chính thức góp mặt vào xu thế chủ đạo của thị trường giải phẫu thẩm mỹ sinh nhiều lợi nhuận.
Theo KH&ĐS