Chăm sóc giảm nhẹ – vấn đề chưa được quan tâm đúng mức

Không chỉ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mà nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính khác cũng cần được chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, đáp ứng cho nhu cầu này của người bệnh còn hết sức hạn chế.

Chăm sóc giảm nhẹ chỉ dành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối?

Theo BS Nguyễn Xuân Thanh – Phó trưởng khoa Ung bướu và điều trị giảm nhẹ Bệnh viện Lão khoa Trung ương, y học hiện đại đã có những tiến bộ đáng kể trong việc điều trị bệnh nhân ung thư và các bệnh lý mạn tính như suy tim, suy thận, đái tháo đường, sa sút trí tuệ… Tuy nhiên, tác dụng phụ của các biện pháp điều trị hoặc những thương tổn về thể chất và tâm lý do các căn bệnh này gây ra ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh, nhất giai đoạn cuối đời.

cham soc giam nhe - van de chua duoc quan tam dung muc hinh anh 1
Chăm sóc bệnh nhân tại BV Lão khoa Trung ương

“Nếu như dưới góc nhìn của các bác sĩ và các chuyên gia y tế thì thường chỉ tập trung về mặt thể chất. Ví dụ bệnh nhân khó thở như thế nào, bệnh nhân suy tim giai đoạn mấy? Tuy nhiên người bệnh lại không quá quan tâm đến những điều như vậy mà họ quan tâm đến những đau khổ về mặt tinh thần. Chúng tôi nhận thấy rằng những đau khổ về thể chất chúng ta có thể kiểm soát được bằng thuốc, tuy nhiên những đau khổ về mặt tinh thần và mặt xã hội của người bệnh thì chúng tôi cũng đang phải vật lộn” – Từ thực tế, BS Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ.

Hiện nay nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của bệnh nhân ở nước ta rất lớn. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người bệnh có nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ trên bệnh nhân ung thư dao động từ 66% đến trên 80%, đặc biệt là người bệnh giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ của các bệnh mạn tính như suy tim là khoảng trên 60%, bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính khác như suy thận, bệnh nhân sa sút trí tuệ cũng tương đối cao.

Theo BS Nguyễn Xuân Thanh, chăm sóc giảm nhẹ là chuyên ngành chăm sóc, điều trị cho những người bệnh mắc bệnh nặng, nghiêm trọng hay còn gọi là các bệnh hiểm nghèo, không chỉ dành cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

“Trong chăm sóc giảm nhẹ, mục tiêu chính không phải điều trị căn nguyên bệnh mà tập trung vào việc giúp giảm bớt các triệu chứng và căng thẳng của bệnh tật. Ở đây không đơn thuần là các điều trị các triệu chứng về thể chất như đau, khó thở… mà còn tập trung vào các đau khổ về tinh thần, tâm linh và xã hội. Đích đến cuối cùng là đạt được chất lượng và giá trị cuộc sống cao nhất cho cả bệnh nhân và gia đình của họ. Và dựa trên định nghĩa này thì chăm sóc giảm nhẹ được cung cấp dựa trên nhu cầu của bệnh nhân và gia đình, không dựa trên tiên lượng bệnh. Nó phù hợp ở mọi lứa tuổi và mọi giai đoạn của bệnh” – BS Nguyễn Xuân Thanh nhấn mạnh.

Liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ nên được bắt đầu từ khi mới chẩn đoán bệnh và trong suốt quá trình điều trị và được phối hợp cùng những liệu pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Vai trò chăm sóc giảm nhẹ đặc biệt quan trọng khi các liệu pháp điều trị đặc hiệu không còn hiệu quả, không khả thi hoặc không còn phù hợp. Thậm chí sau khi bệnh nhân mất, chăm sóc giảm nhự vẫn cần được cung cấp cho gia quyến nhằm hỗ trợ thân nhân vượt qua nỗi đau mất mát.

BS Nguyễn Xuân Thanh cho biết, cần phân biệt rõ chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời. Chăm sóc cuối đời chỉ dành riêng cho những người mắc bệnh giai đoạn cuối hoặc bệnh tật của họ đã ngừng đáp ứng với điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, chăm sóc cuối đời là khi tiên lượng sống của người bệnh là 6 tháng hoặc ít hơn.

Còn bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ có thể tiếp tục điều trị chữa bệnh, chẳng hạn như hóa trị hoặc phẫu thuật ung thư. Những người được chăm sóc giảm nhẹ có thể tiếp tục theo đuổi các biện pháp tích cực để bảo tồn và kéo dài cuộc sống của họ. Như vậy, chăm sóc cuối đời chỉ là một phần trong chăm sóc giảm nhẹ.

Vì sao chăm sóc giảm nhẹ chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh?

BS Nguyễn Xuân Thanh cho biết, chăm sóc giảm nhẹ bắt đầu hình thành và phát triển tại Việt Nam từ những năm 2000. Năm 2006, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc giảm nhẹ đối với người bệnh ung thư và AIDS” đầu tiên, cải thiện triệt để các quy định kê đơn thuốc opioid vào năm 2008. Bên cạnh đó, cũng cần đào tạo bác sĩ về chăm sóc giảm nhẹ bằng các chương trình giảng dạy được viết riêng cho Việt Nam và bắt đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại một số bệnh viện và trong cộng đồng.

Hiện nay, tại một số cơ sở y tế, chuyên khoa chăm sóc giảm nhẹ đã được mở ra nhằm giúp xoa dịu nỗi đau về thể chất và tinh thần cũng như giúp bệnh nhân tuân thủ liệu trình điều trị tốt hơn. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, khoa Ung bướu và điều trị giảm nhẹ được thành lập từ năm 2016 và số lượng người bệnh nằm điều trị tại khoa ngày càng tăng cao trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách và hệ thống y tế quốc gia chưa bao gồm chăm sóc giảm nhẹ; Hiện nay nước ta chỉ có các khoa chăm sóc giảm nhẹ, đơn vị chăm sóc giảm nhẹ tại một số bệnh viện lớn. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu hệ thống cung cấp chăm sóc giảm nhẹ tại cộng đồng.

Công tác đào tạo về chăm sóc giảm nhẹ cho các chuyên gia y tế còn hạn chế. Nghiên cứu của Viện Lão khoa trung ương cho thấy hơn 40% bác sĩ và hơn 74% điều dưỡng chưa có đủ kiến thức về chăm sóc giảm nhẹ. Hiện nay chăm sóc giảm nhẹ cũng chưa được tích hợp vào các chương trình giảng dạy của các trường y dược trên cả nước.

“Trong chăm sóc giảm nhẹ, thuốc giảm đau giảm đau opioid rất quan trọng. Tuy nhiên khả năng tiếp cận của người bệnh với thuốc giảm đau opioid còn hạn chế, đặc biệt là người bệnh tại cộng đồng. Chính sách kiểm soát ma tuý quốc gia đòi hỏi opioid phải được sử dụng hết sức thận trọng, điều này đôi khi dẫn tới sự hiểu lầm và ngần ngại và sợ kê đơn opioid. Vẫn còn quan niệm sai lầm rằng việc cải thiện khả năng tiếp cận thuốc giảm đau opioid sẽ dẫn đến gia tăng lạm dụng chất gây nghiện” – BS Nguyễn Xuân Thanh cho biết.

Một nguyên nhân nữa là nhiều người vẫn còn quan niệm chăm sóc giảm nhẹ chỉ dành cho bệnh nhân ung thư, hoặc trong những tuần cuối đời.

Hiện nay với xu hướng già hóa dân số, kết hợp với sự gia tăng của các bệnh lý không lây nhiễm và lây nhiễm, nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ tại nước ta ngày càng lớn. Để xây dựng hệ thống chăm sóc giảm nhẹ bền vững, chất lượng và dễ tiếp cận thì nên tích hợp vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc tại cộng đồng và tại nhà, cũng như hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc như gia đình và tình nguyện viên cộng đồng.

“Chăm sóc giảm nhẹ tại nhà sẽ đáp ứng nguyện vọng của người bệnh và gia đình, đồng thời tiết kiệm chi phí nhằm giảm số lần nhập viện không cần thiết. Hầu hết người bệnh cần chăm sóc sức khỏe tại nhà” – BS Nguyễn Xuân Thanh nói.

Bên cạnh đó lồng ghép chăm sóc giảm nhẹ vào chăm sóc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, suy thận, sa sút trí tuệ là một cách để hỗ trợ chăm sóc phối hợp tốt nhất cho những bệnh nhân này.

BS Nguyễn Xuân Thanh cũng đề xuất cần có các chính sách tăng cường và mở rộng nguồn nhân lực, đưa chăm sóc giảm nhẹ vào chương trình giảng dạy, cũng như giáo dục tình nguyện viên và công chúng. Đồng thời có các chính sách để việc tiếp cận thuốc giảm đau opioid cho người bệnh trở nên thuận tiện hơn và tăng cường truyền thông để cho mọi người dân trong cộng đồng biết và hiểu được vai trò của chăm sóc giảm nhẹ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *