Cảnh báo nguy cơ tử vong do nhiễm liên cầu lợn

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong. Chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân nên ăn chín, uống sôi và không nên giết mổ lợn ốm chết.

Các trường hợp nhiễm liên cầu lợn thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài và để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh. Những người nhiễm liên cầu khuẩn nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết… Tuy vậy, hiện rất nhiều người còn chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này.

Có thể kể đến một số trường hợp như ngày 19/3 vừa qua, bệnh nhân 43 tuổi, trú tại bản Lói, xã Mường Lói, huyện Điện Biên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cấp cứu trong tình trạng sốc, trụy tim mạch nặng, niêm mạc nhợt, phù chi, sốt cao, xuất hiện tím nhiều ở chân, tay, nhịp tim nhanh, bụng chướng… Bệnh nhân được chẩn đoán shock nhiễm khuẩn/suy đa tạng/theo dõi liên cầu lợn. Đến ngày 20/3, bệnh nhân tử vong.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên đã tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, cho kết quả, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (tác nhân gây bệnh liên cầu lợn).

Hồi tháng 1 vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân (50 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định) sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn, đã tử vong ngày 23/1.

Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. 3 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có mổ lợn và làm tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau liên hoan 1 ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái. Người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thủy,  sau đó được chuyển cấp cứu  đến Bệnh viên Đa khoa tỉnh Nam Định. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn (Streptococcus suis).

canh bao nguy co tu vong do nhiem lien cau lon hinh anh 1
Nam bệnh nhân nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn đã tử vong ngày 23/1

Mới đây nhất, ngày 7/5, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận và điều trị cho 8 bệnh nhân là họ hàng trong gia đình được chuyển lên từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình vì nghi ngộ độc sau ăn tiết canh dê. Trước đó, sau khi ăn cỗ cưới có ăn tiết canh dê, hàng chục người có triệu chứng ngộ độc phải nhập viện, trong đó, một người đã tử vong. Hiện chưa xác định cụ thể nguyên nhân do vi khuẩn liên cầu lợn hay ngộ độc do vi khuẩn khác…

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hàng năm, bệnh viện tiếp đón từ 50-100 bệnh nhân nhập viện liên quan đến liên cầu lợn. Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, bệnh lây truyền trực tiếp từ lợn sang người do vi khuẩn Streptococcus Suis gây nên.

“Liên cầu lợn là một chủng vi khuẩn cư trú thường xuyên ở con lợn, nếu chúng ta sử dụng những sản phẩm từ lợn mà không đảm bảo vệ sinh thì có thể bị nhiễm liên cầu lợn. Ăn các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín, như: tiết canh, nem chua, nem chạo… cũng dễ mắc liên cầu khuẩn lợn. Ngoài ra, ăn thịt tái sống hoặc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các vết trầy xước trên da”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Cũng theo bác sĩ Cấp, liên cầu lợn có 2 thể bệnh chính, thể bệnh hay gặp nhất là viêm màng não mủ, bệnh nhân có thể sốt cao sau đó co giật, lơ mơ, hôn mê và nặng hơn nữa là bị phù não dẫn đến tử vong.

Thể bệnh thứ 2 là nhiễm trùng huyết, bệnh nhân sốt cao, sốc và có thể có ban hoại tử trên da. Trường hợp nặng hơn thì bị suy gan phủ tạng. Bệnh diễn biến rất nhanh và nặng, khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

2 thể bệnh ấy đều rất nguy hiểm. Với trường hợp viêm màng não mủ, nếu không được xử lý kịp thời thì bệnh nhân có thể bị phù não nặng dẫn đến tử vong. Với trường hợp nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm độc khuẩn thì cũng tương tự như vậy, nếu không được xử lý kịp thời thì bệnh nhân sẽ bị suy gan phủ tạng và tử vong.

Đến nay chưa có vaccine phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, bệnh liên cầu khuẩn lợn cũng có thể chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện và điều trị sớm bằng các loại kháng sinh và các biện pháp điều trị đặc biệt.

Để phòng tránh nguy cơ nhiễm liên cầu lợn hay các loại ký sinh trùng khác, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, người dân nên ăn các sản phẩm được nấu chín, hạn chế tối đa ăn các món ăn tươi sống. Các món sống như tiết canh, lòng trần, tái, nem chạo… do chưa trải qua nấu nướng nên các vi khuẩn hoặc các mầm bệnh khác “trú ẩn” trong đó chưa được tiêu diệt và có thể dẫn đến tình trạng nhiễm bệnh; Với người tham gia giết mổ, buôn bán thịt thì không nên giết mổ, chế biến những con lợn bị ốm vì chết, vì có thể nó ốm chết do liên cầu lợn gây ra và trong cơ thể chúng tồn tại nhiều mầm bệnh, có nguy cơ lây nhiễm sang người giết mổ, chế biến. Khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại; Cần mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay, thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ…

Cùng với đó, người dân không nên mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng theo đúng quy định; Người tiêu dùng nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; Người dân khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *