Nhóm không nên ăn hồng xiêm gồm người có vấn đề hệ tiêu hóa, người cơ địa dễ bị dị ứng, người bị đau dạ dày.
Cây hồng xiêm có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Trung Mỹ, được nhập trồng ở nước ta, nhiều nhất ở miền Nam, nay phổ biến ở cả miền Bắc, chủ yếu để lấy quả ăn.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trái sapoche (hồng xiêm) rất giàu canxi. Loại quả này giúp thúc đẩy sức khỏe của xương. Ngoài canxi, sapoche cũng là nguồn cung cấp các khoáng chất như magiê, kali, kẽm, đồng, phốt pho và selen giúp củng cố xương, điều hòa huyết áp và tuần hoàn.
Sapoche chứa nhiều chất chống oxy hóa, cũng rất giàu vitamin A, B, C, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Sapoche cung cấp nhiều chất xơ. Các chất xơ trong trái cây có tác dụng ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, loại quả này cũng ngăn ngừa hội chứng ruột kích thích (IBS).
Ngoài ra, sapoche rất giàu chất sắt, hữu ích cho những người đang chiến đấu với bệnh thiếu máu.
Loại quả này cũng “rất tốt cho tóc và da” do chứa nhiều chất dinh dưỡng và giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Không có gì ngạc nhiên khi sapota giúp giữ ẩm cho tóc và da, thúc đẩy sản xuất collagen và ngăn ngừa sự phát triển của các nếp nhăn sâu.
Quả hồng xiêm rất nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng không phải ai cũng nên ăn. (Ảnh: AN BÌNH)
Theo quan niệm Đông y, hồng xiêm tính ngọt, mát, tác dụng sinh tân dịch, giải khát, nhuận tràng. Ăn hồng xiêm giúp cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể nhờ vào thành phần chứa hàm lượng glucose cao; hỗ trợ tiêu hóa; giúp ngủ ngon và giảm stress; tốt cho mắt; ngừa ung thư; chống viêm, kháng khuẩn; hạ huyết áp; tốt cho phụ nữ mang thai.
Lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, quả hồng xiêm có nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng một số đối tượng không nên dùng hồng xiêm. Vậy ai không nên ăn hồng xiêm?
Người có vấn đề về tiêu hóa
Do sapoche giàu chất xơ nên sẽ gây ra các vấn đề về tiêu hóa nếu ăn nhiều. Đặc biệt với những người bụng yếu, lượng chất xơ tăng lên sẽ tạo thành lớp màng ngăn chặn quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, từ đó gây ra các tình trạng khó chịu như đầy hơi, khó tiêu, táo bón….
Người cơ địa dễ dị ứng
Với người cơ địa dễ bị dị ứng, ăn sapoche có thể khởi phát dị ứng trong cơ thể. Trong sapoche có chất tannin – chất làm se, có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trong miệng, ngứa cổ họng và phát ban ngay sau khi ăn.
Người bị đau dạ dày
Trong một số trường hợp hiếm hoi, ăn nhiều hồng xiêm có thể dẫn đến đau dạ dày. Những người có vấn đề về dạ dày, nếu thường xuyên ăn hồng xiêm khi đói sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, thậm chí gây loét.
Người đang dùng thuốc trị bệnh
Sapoche khả năng làm giảm tác dụng của thuốc đang điều trị bệnh. Thành phần tannin trong quả hồng xiêm có đặc tính chống viêm, kháng virus, vi khuẩn mạnh, nhưng chúng cũng có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc. Bạn có thể ăn hồng xiêm cách thời gian dùng thuốc tối thiểu 2 giờ, đảm bảo không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Người bị tiểu đường
Hồng xiêm cũng không tốt cho người bị tiểu đường, do lượng đường trong quả rất cao. Dùng sapoche một cách không kiểm soát, có khả năng sẽ bị tăng đường huyết.
AN BÌNH