Quả nhót đang vào mùa, được bày bán khắp nơi, là món ăn ưa thích của nhiều người, nhất là chị em nhưng bạn có biết vì sao phải chà vảy quả nhót trước khi ăn?
Nhót là loại quả được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Bắc, người ta thường dùng quả để ăn và nấu canh chua. Thành phần của nhót gồm nước 92%, protid 1,25, acid hữu cơ 2%, glucid 2,1%, cellulose 2,3%, calci- um 27mg%, phosphor 30mg%, sắt 0,2mg%. Quả nhót chứa nhiều acid hữu cơ, lá nhót chứa tanin, saponozit, polyphenol.
Loại quả này là món ăn ưa thích của nhiều chị em. Không chỉ nhót chín, quả xanh và non cũng được nhiều người tìm mua để ăn kèm với một số rau thơm, bắp cải chấm cùng chẩm chéo.
Vì sao phải chà vảy quả nhót trước khi ăn là băn khoăn của nhiều người. (Ảnh minh hoạ)
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội) cho biết, nhót là loại quả có vị chua, chát khi xanh, quả ngọt khi chín, tính bình. Quả nhót tác dụng trị ho, trừ đờm, bình suyễn, chữa lỵ, ỉa chảy. Tuy nhiên, nhót không phải vị thuốc trong đông y, mà nó là loại thực phẩm có chức năng chữa bệnh. Những bài thuốc hỗ trợ điều trị của nhót chủ yếu là từ kinh nghiệm dân gian.
Bài thuốc dân gian từ nhót được nhiều người sử dụng nhất là trị ho, bằng cách dùng quả nhót 6 – 12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm, hay thuốc bột. Uống nhiều ngày, tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Quả nhót còn có tác dụng sau:
- Chữa kiết lỵ mạn tính: Quả nhót chín 7 quả, lá mơ lông 25g, lá khổ sâm 10g. Bạn hãy sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống liên tục trong vòng một tuần đến 10 ngày.
- Bài thuốc chữa tiêu chảy: Quả nhót xanh 10 quả, rễ cây nhót 4g, rễ cây mơ 2g. Bạn sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Chà vảy nhót giúp bạn tránh bị ho, khó tiêu khi ăn phải vảy. (Ảnh minh hoạ)
Vì sao phải chà vảy quả nhót?
Mặc dù quả nhót tương đối lành, nhưng hàm lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể không nhiều. Vị chuyên gia khuyến cáo nếu ăn nhót không đúng cách có thể gây bất lợi sức khỏe.
“Trước khi ăn bất kể nhót xanh hay chín, bạn cần chà sạch lớp bụi phấn bám bên ngoài bề mặt quả”, ông Trung nói. Nếu không chà vảy, vảy sẽ bám họng, gây nên nên tình trạng bị ngứa, rát họng. Đặc biệt, vảy nhót ở dạng cứng, khi ăn vào gây tình trạng khó tiêu, ăn nhiều có thể bị đau bụng.
Nhót vị chua là chính, ăn nhiều có thể làm tăng axit trong dạ dày, gây ảnh hưởng hệ thống tiêu hóa, thậm chí gây kích úng đau dạ dày, viêm loét dạ dày.
Lương y Trung khuyên chúng ta không nên ăn nhót khi bụng đang đói. Hành động này sẽ làm gia tăng nguy cơ kích ứng dạ dày, mà nên ăn nhót sau khi đã ăn cơm hoặc ăn lót dạ 30 phút.
Với một số người bị đau hoặc viêm loét dạ dày khi ăn thì cần thận trọng do tính axit cao của loại quả này có thể làm tăng các cơn đau khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Những người bị hội chứng ruột kích thích bị táo bón xen lẫn với tiêu chảy, đau bụng, đầy bụng, chướng hơi… cũng nên kiêng nhót.
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, dạ dày, hệ tiêu hóa còn quá non nớt có thể chưa thích nghi được với vị chua của nhót. Với trẻ lớn hơn, khi ăn nhót cần lưu ý để tránh bị hóc hạt vì nó có thể gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ.
Nguyễn Ngoan