Nhiều vật dụng phổ biến trong gia đình được các chuyên gia cho rằng có thể gây hại cho sức khỏe nếu không được quản lý đúng cách.
Plumbworld – cơ quan hàng đầu về các sản phẩm phòng tắm và nhà bếp của Anh mới đây đã chỉ ra những rủi ro đối với sức khỏe do các vật dụng hàng ngày trong nhà gây ra nhưng thường bị hầu hết mọi người bỏ qua.
Hậu quả của việc bỏ qua những rủi ro này có thể rất sâu rộng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trước mắt mà còn có khả năng góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe về lâu dài. Mặc dù một số vật dụng này là không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại nhưng bạn nên xem xét lại cách sử dụng chúng sao cho hợp lý.
Điện thoại thông minh và máy tính bảng
Điện thoại thông minh và máy tính bảng là thiết bị không thể thiếu trong các ngôi nhà hiện đại, ngay cả ở những khu vực như nhà bếp và phòng tắm. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng chúng cũng thể trở thành phương tiện lây truyền bệnh. Những thiết bị này có thể chứa nhiều loại mầm bệnh bao gồm cả vi khuẩn E.coli và virus cúm hoặc Covid-19.
Rủi ro đối với sức khỏe ngày càng tăng cao khi hầu hết mọi người đều sử dụng các thiết bị này mà không rửa tay hoặc trong khi chế biến thực phẩm, khiến mầm bệnh dễ lây truyền sang thực phẩm hoặc các bề mặt khác.
Việc khử trùng thường xuyên các thiết bị này, đặc biệt là sau khi sử dụng chúng ở những khu vực có nguy cơ cao hoặc sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm, là điều rất quan trọng.
Chảo chống dính
Sự tiện lợi của chảo chống dính là không thể phủ nhận nhưng bạn cũng cần phải nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của dụng cụ nấu ăn này. Khi quá nóng hoặc bị trầy xước, lớp phủ hóa học tạo nên bề mặt chống dính có thể bắt đầu xuống cấp, có khả năng giải phóng các chất độc hại vào không khí và thực phẩm.
Lớp phủ trên chảo chống dính thường được làm từ polytetrafluoroethylene (PTFE), có thể phát ra khí độc hại khi chịu nhiệt độ cao. Theo các nghiên cứu trên động vật, những loại khí này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Để giảm thiểu những rủi ro này, bạn nên tránh làm nóng chảo chống dính ở nhiệt độ cao mà không có thức ăn bên trong và nhanh chóng thay thế những chiếc chảo có dấu hiệu trầy xước hoặc bong tróc.
Việc lựa chọn chảo bền, chất lượng cao và sử dụng chúng trong giới hạn nhiệt độ được khuyến nghị có thể giúp bạn giảm thiểu việc cơ thể tiếp xúc với các chất có hại.
Hộp nhựa đựng đồ ăn
Hộp nhựa là vật dụng không thể thiếu trong nhiều căn bếp. Tuy nhiên, một số loại nhựa có thể khiến các hóa chất như bisphenol-A (BPA) và phthalates nhiễm vào thực phẩm, đặc biệt là khi đun nóng.
Những hóa chất này được xác nhận là chất gây rối loạn nội tiết, có khả năng can thiệp vào hệ thống nội tiết tố của cơ thể và có thể dẫn đến các rối loạn về phát triển, sinh sản, thần kinh cũng như miễn dịch.
Để tránh những rủi ro này, bạn nên lựa chọn sử dụng các hộp đựng bằng thủy tinh hoặc gốm khi hâm nóng thức ăn. Hạn chế dùng những hộp đựng không an toàn với lò vi sóng cũng có thể giúp bạn giảm thiểu việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
Chất tẩy rửa và kháng khuẩn
Hiệu quả của chất tẩy rửa và kháng khuẩn sử dụng hàng ngày trong gia đình thường gây ra tranh luận, với nghiên cứu cho thấy chúng không mang lại bất kỳ lợi ích đáng kể nào so với xà phòng và nước truyền thống trong việc ngăn ngừa bệnh tật.
Hơn nữa, các thành phần hoạt tính trong các chất tẩy rửa này như triclosan và triclocarban thậm chí còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh đồng thời có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau bao gồm cả viêm da.