Mướp được sử dụng rất nhiều trong bữa cơm hàng ngày, vậy ăn mướp thường xuyên sẽ đem lại những lợi ích sức khỏe gì cho bạn?
Mướp thường được trồng nhiều ở châu Á, xào hay nấu canh đều rất ngon, cả nhà đều thích.
Mướp chứa nhiều vitamin A, B5, B6, C, chất chống oxy hóa, khoáng chất và chất xơ. Loại quả này không chỉ dùng để ăn, mà còn có những tác dụng chữa bệnh nhất định.
Mướp được trồng ở nhiều nơi trên thế giới (Nguồn Sohu)
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, mướp vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, giải độc, giảm kích ứng, thông kinh lạc, có thể điều trị đờm, hen suyễn, ho. Theo “Lục xuyên bản thảo” mướp giúp làm dịu cơn khát, giải nhiệt trừ phiền.
Theo y học hiện đại, mướp chứa protein, canxi, phốt pho, sắt, vitamin A, vitamin B, vitamin C. Trong số đó, hàm lượng canxi trong mướp cao gấp đôi so với các loại rau thông thường.
Vitamin B và vitamin C trong mướp là những chất chống oxy hóa hoạt tính cao, có thể ức chế sự hình thành melanin trong cơ thể. Nó không chỉ có tác dụng loại bỏ tàn nhang mà còn làm chậm quá trình lão hóa da, dùng để phòng chống bệnh scorbut và tăng cường sức khỏe não bộ ở tuổi trung niên.
Mướp còn chứa saponin, arginine, citrulline và các thành phần khác rất quan trọng đối với hoạt động sinh lý của cơ thể. Ngoài những công dụng nêu trên, quả mướp còn có những công dụng cụ thể dưới đây.
Nhuận tràng, giảm tình trạng táo bón
Loại quả này không chỉ giàu hàm lượng nước mà còn nhiều chất xơ. Sau khi cơ thể hấp thụ chất xơ sẽ thúc đẩy nhu động ruột, làm mềm chất thải, đạt được mục đích nhuận tràng, giúp cải thiện chứng khó tiêu và các vấn đề như táo bón.
Giải độc và bảo vệ gan
Lượng lớn vitamin C trong quả mướp giúp loại bỏ độc tố dư thừa và các chất có hại khác nhau tích tụ trong cơ thể, cải thiện hoạt động của các tế bào miễn dịch, giúp gan giải độc và ngăn ngừa xơ cứng động mạch.
Cải thiện thị lực, giúp xương chắc khỏe
Mướp là loại quả giàu vitamin A và canxi. Vitamin A giúp cải thiện thị lực, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng. Canxi trong mướp giúp xương chắc khỏe, phòng chống loãng xương ở người trung niên và người già.
Thu Hiền(Nguồn: Sohu)