Khi nói đến chất béo, chúng ta thường nghĩ đây là loại hợp chất có hại cho sức khỏe , bởi có một số loại chất béo làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và béo phì.
Tuy nhiên, những loại chất béo tốt có thể giúp tăng cường sức khỏe của bạn, vì vậy chúng ta nên biết rõ các khác biệt và xác định loại chất béo nào nên tránh, và loại nào nên được sử dụng một cách điều độ.
Cơ thể chúng ta rất cần chất béo để hoạt động hiệu quả vì chất béo cung cấp năng lượng, duy trì sự phát triển của tế bào, ổn định huyết áp và giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng. Song không phải tất cả chất béo đều được tạo ra như nhau. Một số chất béo tốt cho sức khỏe và cần thiết cho chế độ ăn uống lành mạnh, trong khi các loại chất béo khác được coi là chất béo xấu vì chúng gây viêm và nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải hoặc không nên tiêu thụ.
Có 3 loại chất béo chính là chất béo không bão hòa, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Chất béo tốt ( chất béo lành mạnh) là chất béo không bão hòa giúp giảm cholesterol xấu bảo vệ sức khỏe tim mạch. Chất béo xấu là hai loại chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, nếu ăn quá nhiều có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong m.áu, đặc biệt là cholesterol xấu có hại cho tim mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.
Chất béo không bão hòa
Chất béo không bão hòa được chia thành hai loại là chất béo không bão hòa đa và chất béo không bão hòa đơn. Loại chất béo này được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên có chủ yếu trong chế độ ăn uống hằng ngày.
Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh.
Chất béo không bão hòa là chất béo có lợi cho tim. Theo ThS. BS Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa giúp cải thiện mức cholesterol trong m.áu. Các loại chất béo này có trong: dầu ô liu, dầu đậu phộng, dầu đậu nành, dầu hướng dương, quả óc chó, quả bơ và các loại hạt. Các loại cá như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm… là nguồn chất béo tốt chứa nhiều omega-3 giúp giảm cholesterol.
Chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như thịt đỏ và sữa, nó cũng được tìm thấy trong dừa và các sản phẩm từ dừa. Vì chất béo bão hòa có thể gây viêm và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, WHO khuyến nghị nên duy trì lượng chất béo bão hòa ở mức dưới 10% lượng calo hàng ngày.
Chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa chủ yếu được tạo ra từ quá trình hydro hóa một phần (một phản ứng hóa học gây ra bởi hydro phân tử và một hợp chất khác) xảy ra trong quá trình chế biến thực phẩm công nghiệp.
Loại chất béo này tạo ra nhiều tình trạng viêm trong cơ thể và có hại cho sức khỏe. Nó có thể được xem là loại chất béo xấu nhất cho cơ thể vì chúng làm giảm hàm lượng cholesterol tốt; tăng cholesterol xấu và triglycerides. Chất béo chuyển hóa còn gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần so với chất béo bão hòa. Và việc loại bỏ ra khỏi cơ thể còn khó hơn chất béo bão hòa.
Chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong thực phẩm chiên ngập dầu.
Chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong thực phẩm chiên, đồ nướng đã qua chế biến và dầu hydro hóa một phần được sử dụng để chế biến nhiều loại thực phẩm đã qua chế biến, thức ăn nhanh… WHO cũng khuyến nghị nên duy trì lượng chất béo chuyển hóa ở mức dưới 1% lượng calo hằng ngày hoặc lý tưởng nhất là tránh hoàn toàn.
Lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày sẽ thay đổi tùy theo lượng calo bạn ăn mỗi ngày. Theo hướng dẫn về chế độ ăn uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày từ 20% đến 35% tổng lượng calo hàng ngày của mỗi người./.
Ăn gì để giảm mỡ xấu trong m.áu?
Chúng ta nên chọn ngũ cốc nguyên hạt, protein từ thịt nạc và thực vật cùng nhiều loại trái cây và rau quả; hạn chế muối, đường, mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn và rượu bia.
Hỏi:
Chất béo bão hòa là một trong những căn nguyên làm tăng cholesterol LDL trong m.áu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Vậy cần làm gì để kiểm soát chất béo này, thưa bác sĩ?
Một số loại thức ăn giúp giảm mỡ m.áu (ảnh minh họa).
BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Các thực phẩm có chất béo bão hòa bao gồm: Thịt bò, cừu non, thịt lợn, gia cầm, đặc biệt là phần da, mỡ bò (mỡ động vật), mỡ lợn, phô mai, dừa, dầu cọ, dầu hạt cọ, các sản phẩm từ sữa, nguyên chất béo, trứng. Một số thực phẩm nướng và chiên cũng chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao.
Chất béo bão hòa có thể gây ra các vấn đề sức khỏe vì nó làm tăng nồng độ cholesterol trong m.áu. Chất béo bão hòa có thể làm tăng lượng cholesterol xấu. Từ đó, dẫn đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.
Để tốt cho sức khỏe, nên chọn một chế độ ăn hạn chế chỉ 5 – 6% calo từ chất béo bão hòa. Ví dụ, nếu chúng ta cần khoảng 2.000 calo mỗi ngày thì không quá 120 calo trong số đó đến từ chất béo bão hòa, tức là khoảng 13 gram chất béo bão hòa mỗi ngày.
Chất béo không bão hòa có thể giúp giảm nồng độ cholesterol xấu và chất béo trung tính, đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần.
Chúng ta nên chọn ngũ cốc nguyên hạt, protein từ thịt nạc và thực vật cùng nhiều loại trái cây và rau quả; hạn chế muối, đường, mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn và rượu bia.