Theo ThS.Bs Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam để tránh tình trạng ngưng tim khi chạy bộ, mỗi VĐV tham gia chạy cần tầm soát sức khỏe tim mạch. Ban tổ chức các cuộc thi chạy cũng cần bắt buộc người tham gia tầm soát sức khỏe tim mạch.
Mới đây, khi tham gia giải chạy Tây Hồ Half Marathon (Hà Nội) vào sáng 14/4, một vận động viên nam đột ngột bị ngừng tim. Anh đã gục xuống và ngừng tuần hoàn khi chỉ còn cách vạch đích khoảng 100m khi thực hiện cự ly bán marathon (21,1 km).
Theo báo cáo nhanh, bệnh nhân đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ 30 phút nhưng kém hiệu quả, có 5 lần có mạch trở lại nhưng lại mất mạch sau 20 giây. Đánh giá bệnh nhân có bệnh tim mạch nền, rối loạn nhịp, nhân viên y tế đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 cấp cứu.
Bệnh nhân được xe cứu thương và kíp cấp cứu chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 lúc 6 giờ 25 phút.
Tại đây, bệnh nhân được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Bạch Mai, được kíp cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Bạch Mai tăng cường hỗ trợ trực tiếp tại bệnh viện.
Bệnh nhân được đặt ECMO, chuyển về Bạch Mai khoảng 12 giờ trưa ngày 14/4. Tuy nhiên, sau những nỗ lực điều trị tích cực của đội ngũ y bác sĩ, tình trạng của bệnh nhân vẫn tiếp tục xấu đi. Ngày 17/4, theo đánh giá của đội ngũ y bác sĩ, tình trạng bệnh nhân khó qua khỏi, gia đình đã chủ động xin đưa bệnh nhân về nhà để lo hậu sự. Bệnh nhân đã qua đời tại nhà vào ngày 18/4.
Các bác sĩ cho biết phần lớn các tình huống ngừng tim hoặc đột tử trong thi đấu hoặc chơi các môn thể thao đều xuất phát từ căn nguyên tim mạch.
Cần làm gì khi chạy bộ
Theo ThS.Bs Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, các trường hợp tử vong, ngừng tim khi chạy bộ có thể do có vấn đề tim mạch trước đó. Khi chạy bộ, nhịp tim thay đổi, tim đập nhanh hơn; nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh và xuất hiện các cơn thiếu máu lên não, ngừng tuần hoàn.
“Theo đó, nhiều người có thể bỏ ra vài triệu đồng để đăng ký tham gia các giải chạy, nhưng lại không thể bỏ ra chỉ vài trăm ngàn đồng đi khám sức khỏe tim mạch; đây là điều cần suy ngẫm”, ThS.Bs Đoàn Dư Mạnh chia sẻ.
ThS.Bs Đoàn Dư Mạnh cũng cảnh báo, với các vận động viên nghiệp dư, khi tham gia giải chạy phong trào sẽ rất nguy hiểm nếu như họ không kiểm tra sức khỏe tim mạch chặt chẽ.
Đặc biệt, trong quá trình chạy, người bị tăng huyết áp rất khó phát hiện những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Khi vận động cường độ cao, cơ thể sẽ tiết ra chất endorphin, giúp cho cơ thể cảm thấy sảng khoái, dễ chịu. Do vậy, đôi khi người chạy khó kiểm soát được bản thân, để huyết áp tăng cao nên dễ đối mặt với mối đe dọa cho sức khỏe.
Do đó, trước khi chạy bộ đường dài, mỗi người tham gia cần tầm soát sức khỏe tim mạch. Ban tổ chức các cuộc thi chạy cũng cần bắt buộc người tham gia tầm soát sức khỏe tim mạch.
Với những người có vấn đề về tăng huyết áp không nên tham gia chạy bộ. Những người có bệnh về tim mạch, huyết áp chỉ nên tham gia các bộ môn thể thao như: Đi bộ, bơi, tập thể dục nhẹ nhàng, khi mệt nên dừng tập.
Khi chạy bộ cần chú ý những gì
Theo Bệnh viện Tim Hà Nội, với những người đủ sức khỏe chạy bộ, khi chạy cũng cần chú ý các yếu tố như:
– Cần luyện tập chạy bộ thường xuyên thay vì chạy quá nhiều trong một buổi; vì chạy bộ thường xuyên giúp tim có xu hướng ổn định hơn.
– Chạy với cường độ chạy vừa phải, tùy vào điều kiện sức khỏe của mỗi người. Người chạy không nên ép bản thân theo một quá trình tập luyện nặng nề, tốc độ cao sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim.
– Thời gian chạy chỉ nên từ 30 – 45 phút/ngày. Với người mới tập chạy chỉ nên chạy từ 10 – 20 phút, sau đó có thể nâng dần thời gian chạy lên.
– Không nên chạy cự ly quá dài; vì mục đích chạy bộ là nâng cao sức khỏe nên người chạy cần đề cao sức khỏe hơn là cự ly.
– Trong quá trình chạy cần bổ sung nước đầy đủ. Cụ thể, khi chạy bộ khoảng 15 phút thì cần bổ sung 150ml nước. Nếu không bổ sung đủ nước trong cơ thể, người chạy sẽ cảm thấy nhanh mệt hơn và dễ bị tác động xấu đến hệ tim mạch.
– Trước mỗi buổi tập, người chạy cần đánh giá về tình trạng thể lực, thời gian chạy, mức độ vận động, điều kiện thời tiết, trang phục… để an toàn nhất cho sức khỏe.
– Người chạy cần chuẩn bị nước uống, dinh dưỡng bổ sung trong quá trình luyện tập để tránh bị kiệt sức, thiếu năng lượng. Khi chạy đường dài, người chạy cần mang theo nước khoáng bù điện giải, nước đường, bánh ăn liền hoặc thực phẩm tiêu hóa nhanh để bổ sung ngay khi cần thiết, tránh bị mất nước, tụt đường huyết…
– Đặc biệt, trước khi chạy, người dân cần khởi động kỹ càng, tập xong phải thả lỏng, hồi phục. Nếu thấy các dấu hiệu như: Đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.