Dần có những phát hiện khoa học để xác định và điều trị bệnh nhân Covid-19 kéo dài. Song, vẫn còn chặng đường dài để giải mã hội chứng bí ẩn này.
Covid-19 kéo dài vẫn còn nhiều điều chưa được giải đáp. Ảnh: Yale Medicine.
Nhiều người đã bắt đầu xem Covid-19 như một loại bệnh truyền nhiễm thông thường, tương tự với cúm hay virus hợp bào hô hấp (RSV).
Tuy nhiên, đến năm thứ 5 kể từ khi dịch bệnh bùng phát, bí ẩn về căn bệnh này còn nằm ở những triệu chứng sau lây nhiễm, còn được biết đến với tên hội chứng Covid-19 kéo dài.
“Chúng ta đã biết nhiều về loại coronavirus đặc biệt này, nhưng điều đó không có nghĩa là đã hiểu rõ về ảnh hưởng lâu dài sau lây nhiễm”, Washington Post dẫn lời Francesca Beaudoin, Trưởng khoa dịch tễ học tại Đại học Brown, Mỹ, cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã định nghĩa tình trạng hậu Covid-19, hay Covid-19 kéo dài, là việc tiếp tục phát triển các triệu chứng mới sau 3 tháng nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu. Những triệu chứng này có thể kéo dài ít nhất 2 tháng mà không rõ nguyên nhân.
Tiến trình giải mã hội chứng này đối mặt với nhiều dấu hỏi, chẳng hạn khả năng mắc Covid-19 kéo dài là bao nhiêu, ai có nguy cơ cao và nguyên nhân gây nên hội chứng này.
WHO cho biết khoảng 10-20% người nhiễm SARS-CoV-2 có thể tiếp tục phát triển các triệu chứng Covid-19 kéo dài.
Hiện có khoảng 200 triệu chứng khác nhau được cho là liên quan đến Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, bao gồm mệt mỏi, hụt hơi và rối loạn chức năng nhận thức, còn được biết đến với thuật ngữ “sương mù não”.
Theo Vox, điều được nhiều nhà khoa học đồng tình là không có một nguyên nhân duy nhân cho Covid-19 kéo dài, khi mỗi bệnh nhân lại có các triệu chứng khác nhau.
Làm sao phát hiện một người bị hậu Covid-19?
Các bác sĩ thông thường sẽ dùng phương pháp loại trừ, dựa vào những triệu chứng đã được báo cáo ở những người từng mắc Covid-19. Tuy nhiên, những bước tiến gần đây giúp phần nào phân biệt được những người mắc Covid-19 kéo dài thông qua xét nghiệm.
Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature vào tháng 9/2023, dẫn đầu bởi các nhà khoa học tại Trường Y Icahn và Trường Y Yale, Mỹ, những người mắc Covid-19 kéo dài có nồng độ cortisol thấp hơn nhiều so với người khỏe mạnh.
Đây là loại hormone giúp cơ thể tỉnh táo, kiểm soát trạng thái căng thẳng hay sợ hãi. Thiếu cortisol có thể phần nào giải thích cho tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng ở những người mắc Covid-19 kéo dài.
Một phát hiện khác từ phản ứng miễn dịch ở những người mắc Covid-19 kéo dài là tế bào B hoạt động và cạn kiệt tế bào T.
Điều này đặt ra giả thuyết virus SARS-CoV-2 không được loại bỏ hoàn toàn ở một số người, do đó, hệ miễn dịch đã liên tục phản ứng trong thời gian dài. Khi hệ miễn dịch yếu đi, những virus tiềm ẩn như virus Epstein Barr (EBV), nguyên nhân chính gây bệnh bạch cầu, cũng hoạt động trở lại ở những người mắc Covid-19 kéo dài.
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Texas, Mỹ tháng 2/2020. Ảnh: CNBC.
E. John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học tại Trường Y Perelman của Đại học Pennsylvania, nói tình trạng virus không được loại bỏ hoàn toàn mà tồn tại không phải chuyện lạ.
“Đã có nhiều thông tin, nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra mối liên hệ giữa virus tồn tại trong cơ thể và triệu chứng Covid-19 kéo dài”, ông nói.
Những dấu hiệu này chưa đủ cơ sở cho xét nghiệm về tình trạng mạn tính, song đây được coi là bước tiến giúp các bác sĩ có thể kiểm tra nội tiết tố hay dấu hiệu của virus tiềm ẩn tái hoạt động ở bệnh nhân.
Hướng đén phương pháp điều trị
Những nghiên cứu nhiều mặt về Covid-19 kéo dài đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là tìm ra phương pháp điều trị hội chứng bí ẩn này.
Ngày càng xuất hiện bằng chứng về các loại thuốc kháng virus và liệu pháp làm giảm, thậm chí chữa khỏi triệu chứng Covid-19 kéo dài bất kể nguyên nhân.
Bác sĩ và các nhà khoa học có thể chưa hiểu hết về hội chứng này để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất, trong khi với bệnh nhân, những cách khiến tình trạng bệnh thuyên giảm là mối quan tâm hàng đầu.
Tình hình dịch bệnh đã thay đổi. Nhiều người đã phơi nhiễm với virus do vaccine hoặc từng nhiễm bệnh. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, mức độ nguy hiểm của các chủng virus mới thấp hơn các chủng trước đó được cho là liên quan đến số ca mắc Covid-19 kéo dài thấp hơn, theo Vox.
Có những bằng chứng sơ bộ nhưng nhiều tiềm năng cho thấy dùng thuốc kháng virus Paxlovid có liên quan đến giảm tỷ lệ mắc Covid-19 kéo dài. Điều này đến từ việc thuốc có thể loại bỏ những virus còn tồn tại trong cơ thể, một trong những nguyên nhận được cho liên quan đến tình trạng Covid-19 kéo dài.
Do những triệu chứng của bệnh đa dạng, mỗi bệnh nhân có thể nhận phác đồ điều trị riêng. Các bác sĩ có thể ưu tiên dùng thuốc chống đông m.áu cho các triệu chứng tim mạch.
Thuốc cortisol trước đây thường được dùng cho bệnh nhân mắc chứng mệt mỏi mạn tính, cũng được các chuyên gia gợi ý áp dụng cho người mắc Covid-19 kéo dài, dù cần chờ thêm kết quả lâm sàng.
Sẽ khó xuất hiện một nghiên cứu giải đáp mọi thắc mắc của Covid-19 kéo dài, nhưng theo thời gian, từng bước tiến có thể dần giải mã hội chứng này.
“Tôi không nghĩ sẽ có đột phá về Covid-19 kéo dài, mà sẽ là sự hiểu biết ngày càng tăng”, Amy Proal, nhà nghiên cứu về tình trạng virus còn tồn tại ở bệnh nhân Covid-19 kéo dài, nói.
Nâng chất lượng điều trị bệnh nhân tâm thần
Ngoài thực hiện tốt chuyên môn, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang còn quan tâm, lắng nghe những chia sẻ của người bệnh để tìm hiểu nguồn cơn, có liệu pháp điều trị hợp lý, giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.
Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang (gọi tắt bệnh viện) được thành lập từ năm 2018, với nhiệm vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần; tập huấn, kiểm tra, giám sát, phát hiện bệnh mới tại cộng đồng. Chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tâm thần là hoạt động đặc thù của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bởi không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà y, bác sĩ cần phải có tình yêu thương, sự thấu cảm sâu sắc và kiên trì điều trị, giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Tường Minh – Giám đốc bệnh viện cho biết bệnh viện được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, bệnh viện luôn quan tâm công tác đào tạo dài hạn, ngắn hạn; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nâng cao tay nghề cho y, bác sĩ. Bệnh viện tăng cường công tác giám sát hoạt động chuyên môn của các khoa, phòng; thường xuyên tiếp cận bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để nắm thêm thông tin, phát huy những ưu điểm và kịp thời khắc phục những thiếu sót.
Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh viện triển khai hai liệu pháp điều trị hiệu quả gồm tập thể dục, thể thao phục hồi chức năng và liệu pháp âm nhạc trong điều trị. Bệnh viện được đầu tư, xây dựng khuôn viên rộng, trồng nhiều cây xanh tạo không gian thoáng mát, sạch sẽ để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Năm 2023, bệnh viện triển khai phòng tập phục hồi chức năng hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Người bệnh, người nhà người bệnh được y, bác sĩ hướng dẫn tập thể dục, thể thao tại phòng tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang.
Cử nhân Lê Hoàng Anh – Trưởng Khoa Dinh dưỡng, kiêm công tác phục hồi chức năng cho biết mỗi buổi sáng Anh hướng dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân chạy bộ quanh khuôn viên bệnh viện; buổi chiều hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tập luyện tại phòng tập phục hồi chức năng với các môn như chạy bộ trên máy, xe đạp thể dục, bóng bàn…
Điều này giúp bệnh nhân thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hồi phục thể chất, tinh thần người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện còn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu âm nhạc giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giải trí, thư giãn với những giai điệu mình yêu thích, giúp bệnh nhân mở lòng, thoải mái, sớm phục hồi sức khỏe.
Với những nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị, số lượng người đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng cao. Nếu như năm 2021, bệnh viện tiếp nhận điều trị ngoại trú 8.535 lượt người bệnh, điều trị nội trú 219 lượt thì năm 2022, điều trị ngoại trú tăng lên 13.618 lượt người bệnh, điều trị nội trú 663 lượt và đến năm 2023, điều trị ngoại trú tăng lên 23.253 lượt người bệnh, điều trị nội trú 861 lượt.
Công suất sử dụng giường bệnh đạt 93% (chỉ tiêu 90%); tỷ lệ bệnh nhân điều trị khỏi, giảm bệnh đạt 95% (chỉ tiêu 95%). Số lượt bệnh nhân tâm thần tăng lên hàng năm cho thấy người bệnh, người nhà người bệnh có nhận thức đúng đắn hơn về bệnh tâm thần, không còn e ngại sự kỳ thị của mọi người xung quanh; tiếp cận với dịch vụ điều trị sớm, hạn chế số bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng không được quản lý và điều trị.
Ông Đ.V.L, ngụ xã Đông Hưng, huyện An Minh cho biết ông vào điều trị tại bệnh viện gần 1 tháng, với triệu chứng mất ngủ nhiều ngày, tâm trạng luôn lo lắng, bồn chồn, bất an và cơ thể luôn mệt mỏi. Được bác sĩ khám, chuẩn đoán mắc bệnh rối loạn lo âu, cần nhập viện điều trị.
“Ngoài điều trị bằng thuốc, bác sĩ động viên, tư vấn nhiệt tình, hướng dẫn tôi các bài tập thể dục nên giờ sức khỏe tôi gần như hồi phục hoàn toàn, ăn, ngủ được”, ông Đ.V.L chia sẻ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lâm Tường Minh, bệnh viện luôn quan tâm giáo dục cán bộ, nhân viên về thái độ giao tiếp, ứng xử với người bệnh, người nhà người bệnh.
Qua khảo sát về sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh tại bệnh viện hàng quý, tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân điều trị nội trú đối với bệnh viện đạt 95,4%, sự hài lòng của bệnh nhân ngoại trú đạt 90,1%.