Việc chú trọng vào luật pháp và chính sách về dinh dưỡng đã mang lại cho Nhật Bản “quả ngọt”.
Bài học cải thiện tầm vóc “ngoạn mục” và thực trạng của Việt Nam
Thực tế thế giới tại nhiều quốc gia từng triển khai thành công chương trình dinh dưỡng cho thấy, muốn nâng cao chất lượng dân số, nâng cao tầm vóc, thể lực con người thì chất lượng, thực đơn bữa ăn, các quy định về dinh dưỡng phải được chuẩn hóa.
Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Quốc gia Nhật Bản, Giáo sư Nakamura Teiji – từng đến Việt Nam tham dự hội thảo “Dinh dưỡng người Việt” vào năm 2018, đã chi sẻ về việc Nhật Bản, từ năm 1954, đã “luật hóa” dinh dưỡng, cụ thể là dinh dưỡng học đường – với tiêu chuẩn hấp thụ dinh dưỡng và tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm của bữa ăn trường học.
Việc luật hóa các vấn đề về dinh dưỡng này đã góp phần giúp Nhật Bản cải thiện, phát triển tầm vóc, thể lực của người Nhật một cách ngoạn mục.
Cụ thể, vào những năm 1950, trung bình nam giới Nhật Bản cao 1m50 còn nữ giới là 1m49 (chiều cao trung bình của người Nhật khi đó còn thấp hơn Việt Nam 4cm). Thế nhưng, sau hơn 50 năm, tính đến năm 2021, chiều cao trung bình của Nhật là 1m72 với nam và 1m58 với nữ – những con số cao hàng đầu châu Á.
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà tầm vóc, chiều cao của người Nhật Bản trong thời gian ngắn lại có thể cải thiện nhanh như vậy. Việc chú trọng vào luật pháp và chính sách về dinh dưỡng đã mang lại “quả ngọt”.
Ở Việt Nam, chăm sóc sức khỏe trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà nước, trong đó chăm sóc dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Mặc dù vậy, những kết quả đạt được còn cách xa mong đợi.
Tại Hội thảo quốc tế về dinh dưỡng công thức từ sữa tươi – dinh dưỡng vàng cho trẻ phát triển toàn diện tại Hà Nội ngày 8/6, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Song Tú, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay: kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 do Viện Dinh dưỡng quốc gia triển khai cho thấy, mặc dù chiều cao của thanh niên Việt Nam có tăng lên – hiện trung bình chiều cao của nam đạt 168,1 cm, nữ đạt 156,2 cm – song vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Nghiên cứu cũng cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng béo phì, suy dinh dưỡng và thiếu vi chất ở trẻ em.
Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi năm 2020 của cả nước là 19,6%, trong đó khu vực miền núi lên đến 38%, thuộc mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của WHO. Tình trạng trẻ em béo phì ngày càng gia tăng.
Tỷ lệ trẻ từ 5 đến 19 tuổi bị béo phì năm 2020 lên đến 19%, gấp hơn 2,2 lần so với tỷ lệ 8,5% của năm 2010. Trong đó, khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Thiếu vi chất là vấn đề quan ngại, đặc biệt là thiếu vitamin A, sắt và kẽm. Năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam là 19,6% trong khi mục tiêu đặt ra là 15%. Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt rất cao, lên đến 58%, ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo tiêu chuẩn của WHO.
Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, lên đến 67%. Ở khu vực thành phố tuy có thấp hơn (49%) nhưng vẫn ở mức nặng và hầu như không cải thiện trong năm năm từ 2015-2020. Nghiên cứu của Tổ chức Dinh dưỡng Đông Nam Á cho thấy bữa ăn hằng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất.
Có luật để chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn
Trong số các giải pháp đưa ra, các nhà khoa học nhiều lần nhấn mạnh rằng cần ban hành luật điều chỉnh các vấn đề về dinh dưỡng nói chung, trong đó có dinh dưỡng học đường.
“Tôi ủng hộ đề xuất này bởi dinh dưỡng hợp lý là vấn đề vô cùng quan trọng không chỉ với người dân mà còn với tương lai và giống nòi dân tộc. Muốn chăm sóc dinh dưỡng tốt cần phải có khung pháp lý phù hợp”, bà Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội bày tỏ quan điểm, bên lề Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng công thức từ sữa tươi – Dinh dưỡng vàng cho trẻ phát triển toàn diện, ngày 8/6 tại Hà Nội.
Bà Mai Hoa cho biết, các quy định về dinh dưỡng hiện đã có và nằm rải rác trong các Nghị định, thông tư; nay nếu được tập hợp lại trong một văn bản luật thì quá trình triển khai sẽ thuận lợi hơn, giúp việc chăm sóc dinh dưỡng cho người dân đạt kết quả tốt nhất và thu hút doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này.
“Tôi hy vọng từ ý tưởng và đề xuất của nhà khoa học, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu và đề xuất đề đưa nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh càng sớm càng tốt”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội nói.
Khoa học đã chứng minh, 86% chiều cao của trẻ em phát triển ở độ tuổi 0-12 tuổi – hay còn gọi là “lứa tuổi vàng”.
“Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng với trẻ nhỏ, đặc biệt trong những năm đầu đời”, TS. Clair -Yves Boquien, Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng con người – Pháp (CRNH) cũng nhiều lần nhấn mạnh trong tham luận của mình tại hội thảo quốc tế Dinh dưỡng công thức từ sữa tươi – Dinh dưỡng vàng cho lứa tuổi vàng, giúp trẻ phát triển toàn diện tại Hà Nội ngày 8/6.
TS. Clair – Yves Boquien cho biết, các nghiên cứu đã chứng minh, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ nhỏ trong lứa tuổi vàng từ 0 – 12 tuổi sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ mắc bệnh trong suốt cuộc đời của trẻ; thúc đẩy sự phát triển không ngừng về thể chất và tinh thần của trẻ.
“Có thể nói, đầu tư vào dinh dưỡng tích cực khi trẻ còn nhỏ mang lại lợi ích lâu dài cho các cá nhân, gia đình và quốc gia”, TS. Clair – Yves Boquien nói.
“Nếu sơ sảy trong giai đoạn này, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng cả cuộc đời của con trẻ. Theo đó từng mắt xích trong đời người đều phải được chú ý, đặc biệt là những năm đầu đời”, bà Thái Hương, Anh hùng Lao động, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, phát biểu tại Hội thảo.
Trong nhiều năm qua, với vai trò dẫn dắt doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, là doanh nghiệp, doanh nhân yêu nước với khát vọng nâng cao tầm vóc Việt, bà Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) và bà Thái Hương – Nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn – đã bền bỉ, không ngừng nghỉ theo đuổi tiến trình “vì tầm vóc Việt”, thông qua các hoạt động thiết thực về dinh dưỡng, sức khỏe cho người Việt.
Chia sẻ về quan điểm và tư duy dẫn lối mình, bà Thái Hương cho biết: “Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó, yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này không những là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm mà cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững”.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH mong muốn các quy định về dinh dưỡng – hiện vẫn chưa rõ ràng và tản mạn – sẽ sớm được chuẩn hóa và luật hóa.
Bảo Anh