Bước vào tuổi dậy thì, ngực của Mai phát triển hơn các bạn cùng lớp nên thường xuyên bị trêu chọc khiến em phải dùng dây nịt lại.
Mai, 13 tuổi đến từ Hà Nội, được bố mẹ đưa đến khám sau thời gian dài tự nhốt mình trong phòng, không chơi với các bạn cùng khu phố như trước. Đặc biệt, cô bé thường xuyên tìm lý do đi học sớm. Ban đầu gia đình nghĩ Mai đến lớp sớm để chơi cùng bạn, nhưng sau khi quan sát con, phát hiện con chỉ ngồi trong lớp đọc sách không giao tiếp với ai.
Ngực phát triển hơn các bạn, bé gái lấy khăn nịt lại vì sợ bị bàn tán. (Ảnh minh hoạ)
Gần năm nay, vòng một phát triển rất nhanh, vượt trội hơn hẳn những bạn gái cùng lớp nên Mai rất ngượng ngùng. Đỉnh điểm trong đợt học thêm hè vừa rồi, khi tới lớp, Mai thường xuyên bị bạn bè để ý, bàn tán nhiều hơn về vòng một “to bất thường”. Nữ sinh 13 tuổi cảm thấy xấu hổ khi bản thân khác biệt với mọi người và sống thu mình lại.
“Buổi sáng em dậy sớm hơn 1 tiếng, sử dụng miếng vải cuốn chặt vào ngực để ngực trông không quá khác so với các bạn“, Mai nói và cho biết lý do ngày ngày đi học sớm vì khi đó lớp học ít người, không ai để ý, bàn tán.
Là người điều trị tâm lý cho Mai, thạc sĩ, bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (Viện Tâm lý học ứng dụng và phát triển MP) chia sẻ, khi bố mẹ đưa đến phòng khám, Mai ban đầu từ chối chia sẻ. Chỉ đến khi bố mẹ ra ngoài, nữ sinh mới dám tâm sự về những lo lắng bản thân gặp phải.
Những trường hợp như Mai khá phổ biến ở trẻ vị thành niên, trong y khoa được gọi là hội chứng tâm lý đột biến, luôn nghĩ bản thân khác người nên cố tìm mọi cách để thay đổi. Bác sĩ Bách đã giải thích, tư vấn phụ huynh biết cách hỗ trợ con kịp thời, tránh để con rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu, ảnh hưởng đến học tập.
Nhiều trẻ sau một mùa hè thấy bản thân cao lên “bất thường” khi gặp lại các bạn ở trường học liền có cảm lạc lõng và luôn muốn che đi sự khác biệt của cơ thể. Không ít trường hợp phụ huynh còn tự hào khi con lớn hơn những bạn khác mà không hiểu tâm tư của con.
Lứa tuổi này trẻ rất nhạy cảm, nếu không có sự sẻ chia, quan tâm đúng mức, trẻ có thể tách mình ra khỏi các mối quan hệ, tự nhốt mình lại, ngại giao tiếp, sống thu mình và từ đó ảnh hưởng đến tâm lý, học tập.
Nam bác sĩ cho biết, dậy thì là thời kỳ trẻ có nhiều vấn đề bất ổn, bởi giai đoạn này ngoài sự phát triển về nhận thức, thì sự thay đổi ngoại hình cũng rất dễ khiến trẻ bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập. Nếu bố mẹ nói chuyện cho con mà sai lệch thông tin thì con sẽ không tin tưởng.
Hiện nay trẻ tiếp cận thông tin trên mạng quá dễ dàng. Do vậy, phụ huynh phải tự trang bị kiến thức cho mình để nói chuyện với con. Thầy cô giáo cũng nên là “người bạn” đồng hành cùng trẻ ở giai đoạn này, đặc biệt cần chú ý đến những lời nói để không làm tổn thương trẻ, khiến trẻ càng tự ti hơn về sự khác biệt về cơ thể và lún sâu vào bẫy tâm lý.
Vị chuyên gia tâm lý khuyến cáo với vấn đề như Mai và những trẻ bị “sang chấn” vì sự thay đổi cơ thể tuổi dậy thì nói chung, phụ huynh cần lưu ý 4 điều sau:
– Bố mẹ cần có sự hiểu biết đúng và cụ thể về giới tính, sự phát triển của con, đồng thời biết cách giúp con hiểu thấu đáo vấn đề và chấp nhận sự thay đổi, phát triển của bản thân.
– Đừng soi mói trẻ bởi hành vi này vi phạm sự riêng tư của trẻ, sẽ chỉ khiến con thu mình lại.
– Đừng cố kìm hãm sự phát triển của trẻ. Một số cha mẹ sợ con dậy thì sớm, phát triển quá nhanh nên tìm mọi cách để hãm sự phát triển của con, kể cả việc tiêm hormone. Điều này không nên vì sẽ ảnh hưởng lâu dài đến trẻ, việc dùng thuốc phải do bác sĩ chỉ định.
– Tránh áp đặt hay luôn cấm đoán trẻ. Với những trẻ bị ảnh hưởng của các luồng tư tưởng khác nhau, dẫn tới sự lệch lạc trong tư tưởng và suy nghĩ, bố mẹ ban đầu nên chấp nhận, tạo niềm tin và sự thoải mái cho con rồi rồi định hướng trẻ dần dần. Việc ngăn cấm ngay lập tức sẽ tạo nên sang chấn nghiêm trọng hơn cho tương lai.
Tuấn Kiệt