Dưa, cà muối là món ăn quen thuộc nhưng không ít người truyền tai nhau ăn dưa, cà muối gây ung thư, điều này có đúng?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, quá trình muối dưa sẽ diễn ra phản ứng biến đổi nitrat (chất tồn dư trong rau, củ do được bón phân urê hoặc do hút từ đất có nitrat cao) thành nitrit.
Trong 2-3 ngày đầu khi mới muối, hàm lượng nitrit tăng lên, sau đó giảm dần và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Nitrit vào cơ thể tác dụng với các axit amin, tạo thành hợp chất nitrozamin, nguy cơ gây ung thư. Do đó, để tốt cho sức khỏe, bạn không nên ăn dưa mới muối.
Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho rằng trong cà muối xổi vẫn còn solanine, chất gây ung thư. Thực tế, solanine có thể hòa tan trong muối, nên khi cà được muối xổi sẽ làm mất chất này.
Kể cả khi ăn cà sống, hàm lượng solanine rất ít, không đáng kể, bởi vậy món ăn không gây độc cũng không có chất gây ung thư. Lưu ý, dưa cải và cà dễ bị nhiễm các loại thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác, người ăn có thể bị ngộ độc.
Không ít người truyền tai nhau rằng ăn dưa, cà muối gây ung thư, không tốt cho sức khoẻ? (Ảnh minh hoạ)
Theo chuyên gia, xét tính chất của cà, dưa muối theo cách dân gian không có tính độc hại, nếu quá trình chế biến bảo đảm vệ sinh và ăn đúng lúc.
Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh dưa cà muối tận dụng thùng nhựa đựng sơn đã hết để muối hoặc chứa dưa, cà đem bán. Đây thực sự là mối hiểm họa khôn lường với sức khỏe mà nhiều người vẫn nghĩ là chi tiết nhỏ nên bỏ qua. Các thùng đựng sơn là polime đã kết dẻo, được tạo thành từ những đơn chất, gọi là monome.
Trong quá trình chế tạo, một số phân tử monome vẫn còn tồn tại và có thể hòa tan vào nước. Do đó, khi muối dưa hoặc cà, chất này sẽ có khả năng hòa tan vào nước muối.
Tiếp đó, khi vào cơ thể, nó sẽ hòa tan trong máu, hòa tan vào tế bào và có nguy cơ gây ung thư. Ngoài ra, dư lượng chất phụ gia, chất tạo màu còn sót lại trong các thùng sơn cũng khiến cơ thể dễ nhiễm độc khi ăn phải.
Để món ăn dưa, cà muối không gây hại, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, tuyệt đối không muối trong vật dụng không bảo đảm vệ sinh như thùng sơn, thùng nhựa tái chế. Khi muối nên sử dụng đồ chứa bằng gốm, thủy tinh, sành sứ không có hoa văn.
Các sản phẩm gốm sứ càng nhiều hoa văn sặc sỡ thì hàm lượng chì càng cao. Những sản phẩm nhiễm chì, nếu đựng đồ ăn nóng hoặc đựng thức ăn chua sẽ làm chì nhanh chóng giải phóng, thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể.
Thực tế từ hàng nghìn năm nay, các nước ở châu Á đã sử dụng các loại cải, cà để làm dưa, trở thành văn hóa ẩm thực của nhiều quốc gia.
Dưa cải hay cà muối được nhiều người ưa chuộng, là món ăn kèm đưa cơm, chế biến bằng cách tạo ra môi trường muối để lên men bởi các vi sinh vật.
Qua quá trình lên men, các vi sinh vật có hại bị ức chế, giúp rau cải, cà được bảo quản lâu hơn.
Khi muối chua, thành phần dinh dưỡng trong rau cải, cà được biến đổi tạo hương vị thơm ngon, hấp dẫn hơn, giảm thiểu các chất dinh dưỡng khó tiêu hoặc có hại với cơ thể như solanin (trong cà xanh). Đồng thời, dưa, cà muối cũng chứa các vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa. Nếu ăn đúng cách, muối đúng cách thì không ảnh hưởng sức khỏe.
Lưu ý, các loại dưa cải, cà thường được muối mặn, không phù hợp với người bị tăng huyết áp, bị bệnh về thận. Ngoài ra, trong bữa ăn hằng ngày, người khỏe mạnh chỉ ăn khoảng 5 mg muối/ngày nên lượng dưa, cà muối tốt nhất chỉ 50-100g/ngày.
NHƯ LOAN