Chúng ta dành 1/3 cuộc đời mình để ngủ, song không mấy ai hiểu hết về khoa học giấc ngủ, giấc ngủ cũng biểu hiện sức khỏe thể chất tinh thần của một con người.
Đối với một số nghề nghiệp liên quan đến vận hành máy móc, phương tiện hoặc điều khiển ô tô, sự tỉnh táo luôn là yếu tố đảm bảo an toàn hàng đầu. Chất lượng giấc ngủ là thước đo cho sự an toàn lao động, an toàn giao thông cho mọi người xung quanh.
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, kiêm Chủ tịch Chi hội Ngủ ngáy – Ngưng thở khi ngủ Việt Nam để hiểu rõ thêm một bệnh lý “ngưng thở khi ngủ” đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống từng ngày.
PV: Trước tiên, bác sĩ có thể cho thính giả VOV Giao thông biết, tại sao ông lại lựa chọn nghiên cứu về lĩnh vực giấc ngủ?
PGS TS.BS Nguyên Như Vinh: Hiện nay tôi làm trong hai lĩnh vực chính, đó là y học gia đình hay nói cách khác gọi là bác sĩ gia đình và hô hấp. Trong chuyên ngành y học gia đình tiếp cận bệnh nhân với nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Trên thế giới, ước tính tới 1/3 người có rối loạn giấc ngủ, người trưởng thành cứ ba người có một người bị rối loạn giấc ngủ. Cho nên chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ trong việc khám, chữa bệnh thông thường hàng ngày. Và là một bác sĩ hô hấp, cho nên chúng tôi cũng gặp rất nhiều người bị ngáy và ngưng thở khi ngủ.
Cho nên, hai lĩnh vực cơ bản đó khiến cho chúng tôi thấy rằng vấn đề rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ là vấn đề mà chúng tôi thường gặp. Chúng tôi muốn nghiên cứu sâu về lĩnh vực này: rối loạn giấc ngủ, ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ.
8% – 10% người Việt trưởng thành có chứng ngưng thở khi ngủ
PV: Vậy có những nghiên cứu đánh giá nào vấn đề này đối với bệnh nhân người Việt?
PGS. TS.BS Nguyễn Như Vinh: Tại Việt Nam có những nghiên cứu nhỏ lẻ, cho thấy ước tính khoảng 8 % tới 10% bệnh nhân trưởng thành có chứng ngưng thở khi ngủ. Về loạn giấc ngủ thì cũng tương tự như vậy.
Chúng tôi cũng đang tiến hành làm một vài nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để xem xét về vấn đề rối loạn giấc ngủ, về những đặc điểm gọi là bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ, trong đó có nghiên cứu các bộ câu hỏi để giúp cho người dân, nhân viên y tế qua bộ câu hỏi đó có thể nhận biết được ai là có thể bị chứng và ngừng thở khi ngủ.
PV: Bác sĩ có thể khái quát chung một cách khoa học về các quá trình của một giấc ngủ?
PGS.TS.BS Nguyễn Như Vinh: Chúng ta dành hết một phần ba cuộc đời để ngủ. Trong 24 tiếng đồng hồ, có thể ngủ từ 6 cho tới 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ví dụ ở trẻ em có giấc ngủ dài; còn càng lớn tuổi thì tổng thời gian ngủ ngắn lại. Tuy nhiên nó cũng chỉ mới ở đâu đó một phần ba cuộc đời của mình.
Và giấc ngủ có một quy trình lặp lại chúng ta gọi là chu kỳ. Trong một lần mình ngủ ban đêm có khi nó lặp lại nhiều chu kỳ: có khi từ 3-6 chu kỳ và mỗi chu kỳ chiếm khoảng gần 90 cho tới 120 phút.
Vậy trong một chu kỳ giấc ngủ có những giai đoạn như thế nào? Đầu tiên là giai đoạn ru ngủ: ngủ thiu thiu, giấc ngủ rất là nông, dễ bị đánh thức, giai đoạn này chiếm khoảng từ 5 – 10 phút.
Sau đó là giai đoạn gọi là ngủ nông. Đây là giai đoạn ngủ chiếm thời gian nhiều nhất trong chu kỳ giấc ngủ của chúng ta, có thể chiếm từ 30 – 40 % tổng thời gian ngủ và ở giai đoạn này thì giấc ngủ cũng tương đối nông và cũng dễ dàng bị đánh thức bởi những tiếng động âm thanh, nếu mà chúng ta có môi trường ngủ không được thuận lợi.
Sau giai đoạn ngủ nông tới giai đoạn ngủ sâu: chìm vào trong giấc ngủ, não đang thư giãn tối đa, những cơ trong cơ thể tạm thời yên ắng; mạch huyết áp cũng rất ổn định.
Giai đoạn ngủ sâu tái tạo năng lượng và để ghi nhớ những gì học tập hay làm việc ban ngày vào não của chúng ta, tạo thành một kí ức hoặc chúng ta học hành thì nhớ bài. Và sau giai đoạn ngủ sâu đó tiến tới một giai đoạn gọi là ngủ REM gọi là giai đoạn ngủ mà cử động mắt nhanh.
Có nghĩa là ngủ cũng tương đối hơi sâu một chút và mắt của chúng ta cử động liên tục, trong khi đó những cơ khác như: cơ tay, cơ chân liệt tạm thời.Giai đoạn này cũng quan trọng trong vấn đề tái tạo năng lượng, duy trì trí nhớ và thường thường chúng ta mơ ở trong giai đoạn này.
Sau giai đoạn REM đó thì trở lại chu kỳ: bắt đầu ngủ nông, giai đoạn một, giai đoạn hai, giai đoạn ba, giai đoạn REM. Như vậy thì trong bốn giai đoạn giấc ngủ đó thì giai đoạn giấc ngủ sâu (giai đoạn ba) và giấc ngủ REM (giai đoạn cử động mắt nhanh) cực kì quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta.
Nếu thiếu hai giai đoạn đó, chúng ta chỉ còn ngủ nông thôi, giấc ngủ không có chất lượng tốt và tổng thời gian chúng ta ngủ nhiều nhưng ban ngày có thể vẫn tiếp tục buồn ngủ do chất lượng không cao.
Đừng “ráng chút xíu”
PV: Đối với những người hành nghề tài xế, giấc ngủ của họ rất quan trọng, nó không chỉ liên quan đến sức khỏe mà còn an toàn tính mạng của nhiều người. Nếu những người này mắc chứng “ngưng thở khi ngủ” sẽ ra sao?
PGS.TS.BS Nguyễn Như Vinh: Đối với một số người vận hành máy móc hoặc lái xe, vấn đề buồn ngủ khi vận hành những thiết bị như vậy, cực kỳ nguy hiểm, tài xế có thể gây ra tai nạn; công nhân vận hành máy móc thì tai nạn lao động xảy ra do tình trạng buồn ngủ.
Hiện nay, vấn đề người vận hành máy móc, bao gồm cả tài xế, họ có thể bị rủi ro ở hai tình huống. Tình huống thứ nhất bị mất ngủ, bị thiếu ngủ do hoạt động, cường độ làm việc quá nhiều, họ không có thời gian để ngủ hoặc bị chứng rối loạn giấc ngủ, tức là nằm hoài mà ngủ không được.
Lúc làm việc, họ sẽ buồn ngủ và chỉ cần chợp mắt 5 -10 giây gì đó là tai nạn có thể xảy ra rồi. Vấn đề thứ hai, có những người ngủ đủ giấc, một đêm ngủ được 7 tiếng, 8 tiếng giống như người bình thường hoặc đôi khi ngủ nhiều hơn người bình thường na nhưng ban ngày vẫn tiếp tục buồn ngủ.
Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ, những người ngáy to, ban đêm ngủ nhiều nhưng ban ngày lúc nào cũng buồn ngủ, cũng có thể là do hiện tượng đường thở bị xẹp khi người đó đang ngủ và não lúc đó phải canh chừng phổi, khi phổi ngưng thở thì não thức giấc để điều khiển phổi, phổi thở chút xíu rồi ngưng thở thì não lại thức giấc.
Nguyên một đêm người đó tưởng rằng họ ngủ 7-8 tiếng đồng hồ nhưng thật ra giấc ngủ không được bao nhiêu. Não gọi là thức giấc mà người đó không biết. Cho nên có những người họ chạy xe, ráng chút xíu sắp tới rồi, dù buồn ngủ cũng tới chỗ nào đó hãy ngủ chứ không dừng lại nửa chừng. Nhưng không biết rằng, có những khoảng không cưỡng lại được và có thể họ chợp mắt 5-10 giây, nếu mà chạy với một tốc độ cao, rất nguy hiểm.
Thứ hai là những người chạy đường trường, có khi mở máy lạnh, có khi gió lùa vô thổi vào nhiều khi cũng dễ buồn ngủ, trong tình huống đó cũng có thể gây ra tai nạn. Câu chuyện đó không phải là bị ảnh hưởng gì bởi hành vi khi họ thức mà khi ngủ một chút không cưỡng lại được và để xe chạy theo quán tính, rất nguy hiểm.
Và điều mà tai nạn xảy ra do chuyện bị ngưng thở khi ngủ, hay ngủ gục khi lái xe, đó là do ai cũng nghĩ rằng ráng chút xíu nữa đi tới chỗ đậu xe. Chúng tôi nói với các tài xế nếu bị ngưng thở khi ngủ: thứ nhất là không nên lái xe; còn nếu lỡ lái xe mà hơi buồn ngủ thì chịu khó tốn thời gian trễ nải cũng được mà an toàn, tấp xe vào lề, ngủ một chút, rửa mặt, làm sao nghỉ ngơi cho tỉnh táo. Bởi chỉ vì ráng một chút thôi là có thể phải trả giá hậu quả nặng nề cho bản thân và cho những người xung quanh.
Ở một số nước, họ phải kiểm tra tài xế đó có bị chứng ngưng thở khi ngủ không, nhất là tài xế đường dài. Nếu bị chứng ngưng thở khi ngủ thì phải hạn chế tối đa chuyện chạy xe.
Hiện nay, chứng rối loạn giấc ngủ, điều trị đôi khi hơi khó khăn một chút, nhưng chứng ngáy và ngưng thở, thì tương đối dễ. Nếu người nào bị chứng đó đo ra phát hiện, thì dùng máy trợ thở ban đêm. Khi đó ban đêm nạp đủ oxy thì ban ngày sẽ tỉnh táo làm việc. Đó rất thực sự là một giải pháp.
Hiện nay chúng tôi mong muốn phát hiện sớm, mọi người đều nhận ra mình là người có nguy cơ để đi khám, để được chẩn đoán và điều trị thì công việc mới ổn định, an toàn. Câu chuyện ngủ khi lái xe là “sai một li, đi một dặm” và để lại những hậu quả đáng tiếc.
PV: Xin cảm ơn ông!