Trước khi AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây ra cục máu đông, các nhà khoa học ở châu Âu đã tiến hành nhiều nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân dẫn đến điều này.
Theo Live Science, khi những trường hợp rối loạn đông máu liên quan đến vaccine COVID-19 của AstraZeneca đầu tiên được ghi nhận vào tháng 2/2021, các nhà khoa học châu Âu đã sớm phát hiện đây chính là hội chứng giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine (VITT).
VITT được nhận định là có liên quan đến PF4 – một chất truyền tín hiệu hóa học do tiểu cầu giải phóng ra và khiến tế bào máu hình thành cục máu đông. Trong một số trường hợp hiếm gặp, sau khi tiêm vaccine gốc adenovirus (AstraZeneca và Johnson & Johnson), cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại PF4.
Những kháng thể này sau khi được tạo ra sẽ bám vào PF4 và tạo thành các khối, sau đó có thể liên kết với các thụ thể gọi là Fc trên các tiểu cầu khác. Điều này sẽ kích hoạt các tế bào tiểu cầu giải phóng thêm PF4 và dẫn đến phản ứng gây ra cục máu đông.
Nghiên cứu của các nhà khoa học về máu cũng chỉ ra rằng, PF4 cũng kích hoạt bộ thụ thể thứ hai khiến tiểu cầu tích tụ. Đây có thể là nguyên nhân tiếp theo gây ra rối loạn đông máu ở những người đã tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson.
Phó giáo sư về y học tim mạch Phillip Nicolson tại Đại học Birmingham (Anh) cho biết, ngoài chất kích hoạt kháng thể trong vaccine, một số trường hợp có thể đã có sẵn PF4 liên kết với tiểu cầu trong cơ thể. Khi chúng được kích hoạt, tác dụng phụ gây đông máu của vaccine có thể tăng gấp đôi, ở mức độ có hại.
Liên quan đến vấn đề vaccine COVID-19 gây đông máu, hãng dược phẩm AstraZeneca cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể, cáo buộc rằng vaccine do hãng này hợp tác của Đại học Oxford phát triển có thể dẫn đến tử vong và tổn thương nghiêm trọng.
Vụ kiện được khởi xướng bởi Jamie Scott đến từ anh. Người này đã gặp hiện tượng cục máu đông, dẫn đến tổn thương não sau khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca vào tháng 4/2021, ở thời điểm đại dịch căng thẳng trên toàn cầu. Đến tháng 5/2023, AstraZeneca cho biết không chấp nhận rằng Hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu (TTS) là do vaccine ở cấp độ chung gây ra.
Tuy nhiên, trong các tài liệu được đệ trình lên Tòa án Tối cao Vương quốc Anh vào tháng 2 vừa qua, AstraZeneca đã thừa nhận rằng trong một số trường hợp rất hiếm gặp, vaccine của AstraZeneca có thể gây ra TTS.
Cơ chế nhân – quả chưa được xác định rõ. Hãng dược phẩm nhấn mạnh điều này cũng có thể xảy ra trong trường hợp không tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca hoặc bất kỳ loại vaccine nào khác.
AstraZeneca khẳng định dữ liệu hiện có cho thấy loại thuốc này có hồ sơ an toàn có thể chấp nhận được” và các cơ quan quản lý trên toàn thế giới luôn tuyên bố rằng lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ tiềm ẩn cực kỳ hiếm gặp.
Hàng chục quốc gia phương Tây đã đình chỉ sử dụng vaccine COVID-19 của AstraZeneca từ mùa xuân năm 2021 vì lo ngại nó có thể khiến một số bệnh nhân hình thành cục máu đông. Vào thời điểm đó, người đứng đầu chiến lược vaccine của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cũng nói rằng có mối liên hệ rõ ràng giữa việc tiêm vaccine của AstraZeneca và các trường hợp xuất hiện cục máu đông trong não, nhưng khẳng định rằng lợi ích vẫn lớn hơn rủi ro.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine COVID-19 của AstraZeneca có hiệu quả 72%. Theo hãng dược phẩm này, tính đến tháng 4/2021, hơn 17 triệu người ở châu Âu và Vương quốc Anh đã được tiêm vaccine của hàng và chỉ có dưới 40 trường hợp gặp hiện tượng cục máu đông được báo cáo.