Những món ăn có hại cho quý ông
Giới tínhThứ Tư, 10/02/2010 08:50:00 +07:00
Với đàn ông, chẳng lời chê nào bằng lời chê “chiến” yếu, chẳng điệu nhạc nào buồn hơn tiếng vợ thở dài lúc canh khuya.
Với đàn ông, chẳng lời chê nào bằng lời chê “chiến” yếu, chẳng điệu nhạc nào buồn hơn tiếng vợ thở dài lúc canh khuya.
Phản ứng dây chuyền
10 giờ 30 phút – “anh, anh đi ngủ đi anh. Anh tuần này đêm nào cũng làm khuya rồi”, lần một. 11 giờ 30 phút – “anh ngủ đi anh”, lần hai. 12 giờ 30 phút “anh ngủ đi anh”, lần ba. Điệp khúc đó dường như đêm nào một bà vợ cũng phải “nhay đi nhay lại” với đức lang quân của mình với tỷ lệ n lần. Thế nhưng, núi công việc kết hợp với bia rượu, với nhậu nhẹt vẫn đang âm thầm hủy hoại sức khỏe này vẫn cứ diễn ra. Hệ lụy là stress và hệ lụy của stress là chểnh mảng tình dục.
Không ít các biện pháp nhằm tăng cường khả năng yêu của đàn ông lại có tác dụng ngược. Ảnh minh họa |
Thực tế, không có bất kỳ chức năng sinh lý nào của cơ thể chịu nhiều ảnh hưởng bởi tâm trí như “chuyện ấy”. Không tin hả? Kiểm chứng nhé: không vui, ngồi vào bàn ai cũng có thể cố nhồi một hai bát. Nhưng còn cái “chuyện ấy,” không vui thì ngay lập tức “trên bảo dưới không nghe”.
Ăn uống cái gì bổ cái nấy?
Với đàn ông, chẳng lời chê nào bằng lời chê “chiến” yếu, chẳng điệu nhạc nào buồn hơn tiếng vợ thở dài lúc canh khuya. Có bệnh thì vái tứ phương, và hướng giải quyết của các quý ông đầu tiên thường là “ẩm” và “thực”. Ban đầu, họ đổ xô nhau đi ăn lẩu… pín dê, rồi sau đó lại tới trào lưu lẩu gỉ lẩu gi lẩu gì cũng kèm trứng vịt lộn. Điều này rất tai hại!
Thực tế, trứng vịt lộn bổ dương nhưng cái sự ẩm thực nó là sự hòa trộn tinh tế của hỗn tạp các nguyên liệu: như thể giá không ăn kèm gan, thịt gà kị kinh giới, trứng vịt kị tỏi. Biết đâu trong nồi lẩu lại có thức ăn kị trứng lộn, ăn thế có khác gì đau bụng mà đi uống sâm. Quay lại với món lẩu pín dê. Theo quan niệm số đông thì cứ ăn “cái gì” chắc chắn sẽ là bổ “cái nấy” và con vật càng “mạnh mẽ” thì “của quý” của nó càng có tác dụng cường dương.
Nhưng theo nghiên cứu, thực ra khả năng chiến đấu phi thường của dê có được thực chất là nhờ ăn cỏ “dâm dương thảo” có tác dụng kích thích. Vậy muốn bổ thật thì các quý ông phải làm sao nhỉ?
“Tiền” thực hậu “ẩm”. Ăn mãi no bụng, các ông lại tìm cách “nạp đạn” cho mình bằng cách uống nhưng vẫn với tiêu chí quan điểm (tất cả các loại rượu ngâm đều thuộc nhóm “ông uống bà khen”. Vậy là các loại cây, các loại con (càng hiếm càng tốt) đua nhau chạy vào lọ vào chai. Nào là chim sẻ, thằn lằn, cá ngựa… Nào tay gấu, pín dê, xương, “cà” của các con đều được ngâm rượu kèm với những dược liệu cũng trên trời dưới biển không kém.
Nhưng mặc! Nhiều vị sau khi đã no vì ăn và no cả vì uống, sức chiến đấu vẫn chưa được cải thiện. Điều này có thể lý giải khá dễ hiểu: mỗi loại rượu thuốc có những ích lợi và cách uống riêng. Chúng cũng chỉ phù hợp cho từng độ tuổi, thể trạng. Thêm nữa, uống rượu thường xuyên rất có thể dẫn tới chứng rối loạn cương dương. Dùng rượu không có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp này chẳng khác gì nạp các chất độc vào người.
Có bệnh thì vái đúng chỗ
Yếu sinh lý là chuyện không thể và không nên giấu. Nhiều người sau khi đã no “ẩm” chán “thực” thì quay sang chọn cách tránh quan hệ trong 2 năm với hy vọng chứng yếu sinh lý sẽ tự mất. Thực ra tốt nhất là chia sẻ thẳng thắn, cởi mở với người bạn đời về khó khăn của mình và gặp bác sĩ để được điều trị. Đồng thời, cả hai vợ chồng cũng cần được tư vấn để không quá lo lắng và hợp tác với nhau trong chữa trị, như vậy mới có kết quả tốt và hiệu quả nhất.
Thêm nữa yếu sinh lý thường xảy ra khi có tuổi nhưng không phải là hệ quả tất yếu của tuổi tác. Nam giới ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể rơi vào tình trạng yếu sinh lý tạm thời. Khi đó, không nên quá bi quan hoặc mất tự tin vào khả năng nam tính của mình. Thông thường, nam giới chỉ bị coi là yếu sinh lý khi không thể đạt được sự cương dương đầy đủ (hay rối loạn chức năng cương dương). Việc có trục trặc một hai lần là điều hoàn toàn bình thường, không đáng nói.
Mọi việc chỉ đáng lo khi tình trạng yếu sinh lý kéo dài quá 2 tháng hoặc hay tái diễn. Khi đó cần tới gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để phát hiện xem có tổn thương thực thể nào, ví dụ tổn thương thần kinh trong bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch làm giảm cung cấp máu cho vùng tiểu khung… hay không.
Theo Sức khỏe và Đời sống