Gừng là món ăn vị thuốc tốt cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng sai cách gừng có thể gây ra những tác hại không ngờ.
Gừng có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe và hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, sử dụng gừng không đúng cách, lạm dụng gừng để giữ ấm cơ thể có thể gây ra những tác hại không nhỏ. Dưới đây là những sai lầm khi ăn gừng cần bỏ ngay.
Không dùng cho người bị trúng nắng
Mùa hè trời nóng, sự phân tiết dịch vị giảm nên có thể ảnh hưởng đến nhu cầu ăn uống. Nếu trong bữa ăn dùng thêm vài lát gừng tươi sẽ thúc đẩy sự thèm ăn, nhưng bạn không được dùng gừng cho những người bị trúng nắng.
Nước gừng tươi đường đỏ chỉ thích hợp với những người phong hàn cảm mạo, hoặc vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa. Bạn cũng không được dùng cho những người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt, càng không được dùng cho những người bị trúng nắng.
Ăn quá nhiều gừng
Gừng hiếm khi gây ra các tác dụng phụ nhưng nếu ăn với liều lượng lớn sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Ăn quá nhiều gừng có thể gây ra chứng ợ nóng, tiêu chảy và kích thích miệng. Ngoài ra, người dùng cũng có thể bị ợ hơi, đau bụng, đầy bụng, buồn nôn và luôn cảm giác có mùi gừng trong miệng.
Gừng tốt nhưng cần ăn đúng cách để tốt cho sức khỏe.
Ăn gừng bị dập nát
Khi gừng tươi bị dập nát sẽ rất dễ tạo nên độc tố vô cùng mạnh – chất safrole. Khi ăn vào dễ gây tổn hại đến chức năng gan, hoại tử tế bào gan, từ đó dẫn đến bệnh ung thư gan, ung thư thực quản.
Vì vậy, khi lựa chọn gừng tươi, nên chọn loại gừng có màu sáng, bề mặt ngoài nhẵn, không vết xước, không dập nát biến chất.
Uống nước ép gừng tươi
Uống nước ép gừng tươi có thể trị buồn nôn do bị lạnh gây ra, còn buồn nôn do những nguyên nhân khác không nên sử dụng. Nếu ăn nhiều, bạn sẽ gặp vấn đề về tiêu hóa.
Ăn gừng mọc mầm
Gừng mọc mầm mặc dù vẫn còn vị cay nhưng cũng rất nguy hiểm nếu dùng. Vì khi chế biến nó có thể sinh ra chất lưu huỳnh, độc tố gây tổn thương cho gan.
Khi ăn loại gừng này, dạ dày và ruột hấp thụ được rất ít chất dinh dưỡng, có thể làm cho tế bào gan nhiễm độc và biến tính, tổn hại tới công năng bài tiết của gan.
Ăn gừng buổi tối
Thời điểm ăn gừng tốt nhất là vào buổi sáng, trong khi đó ăn gừng vào buổi tối lại đặc biệt có hại. Do trong gừng chứa tinh dầu dễ bay hơi, có thể làm tăng tuần hoàn máu; đồng thời có chứa gingerose, có tác dụng kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa.
Vào buổi tối, dương khí trong người thu lại, âm khí thịnh phát, lúc này ăn gừng có tính dương, nóng, sẽ vi phạm quy luật sinh lí tự nhiên của con người, gây bất lợi cho cơ thể.
Hạ Anh(Tổng hợp)