Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật và Liên minh viêm gan Việt Nam vinh dự là 2 trong số 71 tổ chức được nhận hỗ trợ để triển khai các dự án sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề viêm gan virus trong khu vực.
Trong số 71 tổ chức được nhận Quỹ ALL4LIVER để hỗ trợ các dự án sáng tạo được cộng đồng hỗ trợ liên quan đến viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) và viêm gan D (HDV) năm 2023 có 2 tổ chức phi lợi nhuận đến từ Việt Nam đã được vinh danh: Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật và Liên minh viêm gan Việt Nam. Trị giá Quỹ hỗ trợ là 4 triệu USD.
Nội dung này vừa được Gilead Sciences, Inc. (Nasdaq: GILD) vừa thông báo chính thức được công bố tại hội thảo chuyên đề “Hợp tác cho công bằng sức khỏe toàn cầu: Các nghiên cứu điển hình từ khắp thế giới” được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về Viêm gan tại Lisbon.
Theo ước tính gần đây của Bộ Y tế Việt Nam, Trung tâm Phân tích Dịch tễ học và Tổ chức Y tế Thế giới cứ 11 người ở Việt Nam thì có 1 người nhiễm viêm gan B (HBV) hoặc viêm gan C (HCV) mãn tính. Hơn 70% người mắc viêm gan B ở Việt Nam không biết tình trạng nhiễm bệnh của mình, và do đó hơn 95% trường hợp HBV đã được chẩn đoán không được điều trị. Mặc dù đã có các chiến lược hợp lý để quản lý HBV và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh nhưng các rào cản đối với việc thực hiện các chương trình sàng lọc và chẩn đoán hiệu quả vẫn là một thách thức. Dữ liệu cho thấy để đạt được mục tiêu loại trừ viêm gan virus trong khu vực, việc giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng liên quan đến viêm gan virus là rất quan trọng. Khoản tài trợ từ Quỹ sẽ tạo điều kiện cho hai tổ chức triển khai các dự án sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy xét nghiệm, cải thiện kết nối đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức về viêm gan virus trong chính sách y tế công cộng.
Liên minh viêm gan Việt Nam là một tổ chức phi lợi nhuận sẽ sử dụng nguồn tài trợ để triển khai chương trình DETECT-B. Sáng kiến này nhằm mục đích triển khai biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng và có thể mở rộng quy mô nhằm thúc đẩy xét nghiệm HBV, liên kết với chăm sóc và điều trị tại các cơ sở chăm sóc ban đầu và sẽ được thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Một tổ chức nhận tài trợ khác, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật, lập kế hoạch giải quyết vấn đề thiếu nền tảng kỹ thuật số để cung cấp thông tin chính xác và tin cậy mà công chúng và các bệnh nhân HBV có thể dễ dàng tiếp cận. Viện sẽ phát triện một ứng dụng chăm sóc bệnh nhận HBV, hợp tác với các chuyên gia y tế về gan của Việt Nam để hỗ trợ tốt hơn việc liên kết chăm sóc và tuân thủ chăm sóc.
“Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật rất vinh dự khi được nhận Quỹ ALL4LIVER từ Gilead Sciences. Chúng tôi tin rằng bằng cách nâng cao việc phát hiện sớm và quản lý tích cực viêm gan B, chúng tôi có thể cải thiện nhận thức và môi trường điều trị của những người sống với vi rút viêm gan. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự hỗ trợ từ nguồn tài trợ này, chúng tôi có thể tận dụng các giải pháp kỹ thuật số để tăng cường chẩn đoán và liên kết với việc chăm sóc những người nhiễm HBV và cải thiện sức khỏe”- ông Đào Văn Long, Phó Chủ tịch Uỷ ban Khoa học, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa gan mật cho biết.
“Mục tiêu loại bỏ viêm gan virus như một mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng vào năm 2030 của Tổ chức Y tế Thế giới đang đến gần, nhu cầu về một phương pháp đa bên tham gia ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết. Viêm gan vẫn là một gánh nặng lớn đối với sức khỏe cộng đồng trong khu vực và nỗ lực chung từ các lĩnh vực khác nhau là cần thiết. Với Quỹ ALL4LIVER, chúng tôi tự hào hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác cộng đồng và tổ chức học thuật, nuôi dưỡng những giải pháp sáng tạo được thiết kế đặc biệt để giải quyết các thách thức địa phương. Cùng nhau, chúng tôi hình dung một tương lai nơi gánh nặng của viêm gan sẽ là một chuyện của quá khứ, và mọi người đều thực sự có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ”-bà Deepshikha Kiyawat, Tổng Giám đốc, Gilead Global Patient Solutions, Đông Nam Á và Trung Á nhấn mạnh.
Quỹ ALL4LIVER ra mắt vào năm 2021, một khoản tài trợ hai năm một lần được thiết kế để ủng hộ cộng đồng địa phương và cuộc chiến chống lại viêm gan virus, nhằm hỗ trợ các dự án khởi xướng bởi cộng đồng địa phương ở châu Phi, Nam Mỹ, châu Á và Châu Đại dương, châu Âu và Bắc Mỹ (ngoại trừ Hoa Kỳ) nhằm đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới loại bỏ viêm gan virus như một mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.