Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 cho biết, kỷ tử được sử dụng và lưu truyền từ rất lâu, như một loại thuốc thảo dược quý.
Theo y học hiện đại, kỷ tử chứa betain, 8-10% axit amin, vitamin B1, B3, vitamin C, carotene, riboflavin. Kỷ tử còn chứa nhiều tinh dầu và các nguyên tố vi lượng như phốt pho, canxi, sắt.
Kỷ tử tốt cho sức khoẻ.
Tác dụng của kỷ tử
Kỷ tử nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ như:
– Tăng cường miễn dịch làm giảm nguy cơ mắc bệnh do vi sinh vật gây ra.
– Theo thực nghiệm thấy rằng kỷ tử có khả năng tăng quá trình tạo máu giúp giảm tình trạng thiếu máu.
– Tác dụng làm giảm mỡ máu, chống oxy hóa và giảm sự lão hoá của cơ thể. Câu kỷ tử còn bảo vệ tế bào gan, ức chế quá trình đọng chất mỡ trong gan, thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan; trong thành phần còn cơ chất cerebroside để bảo vệ tế bào gan chống lại độc tố.
– Tốt cho mắt: Những thành phần trong kỷ tử tác dụng tốt trên mắt, giúp mắt sáng hơn, hạn chế tình trạng oxy hóa làm mắt bị mờ.
– Theo đông y, kỷ tử vị ngọt, hơi chua, tình bình quy kinh can, tác dụng dưỡng can, minh mục, bổ thận, ích tinh, tráng dương, nhuận phế. Người dân có thể sử dụng kỷ tử làm thuốc bổ, chữa chóng mặt do huyết hư, thắt lưng đau, di tinh, tiểu đường.
– Cách dùng kỷ tử: Kỷ tử sau khi được phơi khô có thể nấu cùng với thức ăn như trong các món hầm. Kỷ tử thường được kết hợp với những vị thuốc khác tác dụng bồi bổ khí huyết như thục địa, hoàng kỳ, đại táo… để tăng tác dụng.
Kỷ tử thường được kê trong các đơn thuốc sắc, tác dụng bổ huyết.
Liều lượng: Mỗi ngày từ 8 đến 20 gram.
Kỷ tử tốt cho người tiểu đường.
Các bài thuốc chữa tiểu đường từ kỷ tử
Dưới đây là một số bài thuốc chữa đái tháo đường từ kỷ tử
– Tiểu đường thể can thận âm hư (sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, mắt mờ, hoa mắt, hoặc đau rít sáp trong mắt): Kỷ tử, cúc hoa mỗi thứ 12g, thục địa 16g, sơn dược mỗi thứ 8g, phục linh, đơn bì, trạch tả mỗi thứ 6g. Tán bột trộn làm viên, mỗi lần uống 12g ngày 2 lần, với nước muối.
– Địa cốt bì, rễ qua lâu, lô căn, mỗi vị 45g, mạch môn đông 80g, táo 7 quả, mỗi lần 9g sắc nước, uống lúc nóng.
– Có thể ngâm rượu dùng làm thuốc hạ đường huyết. Cách ngâm như sau: Khởi tử 600g; rượu 2 lít (rượu 35 – 40 độ). Giã nhỏ khơi tử, cho rượu vào ngâm 2 tuần trở lên sau đó lọc lấy rượu để uống, ngày uống 1 – 2 chén con.
Ai không nên dùng kỷ tử?
Bệnh nhân tỳ vị hư yếu, tiêu chảy kéo dài cần cẩn thận với kỷ tử.
Người tỳ vị suy nhược, tỳ hư thấp trệ tiêu chảy cấm dùng, có ngoại tà thực nhiệt thì không nên dùng.
Nguyễn Ngoan